Ngành nông nghiệp có thể tăng xuất khẩu thêm trên 1 tỷ USD nhờ EVFTA

ANTD.VN - Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều lợi thế khi EVFTA được thực thi.

EVFTA mang lại cơ hội cho doanh nghiệp hai nước

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với tốc độ hội nhập cao sẽ mở ra cơ hội lớn cho toàn ngành. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), EU là thị trường lớn, có GDP đứng thứ tư trên thế giới.

EU nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD/năm mặt hàng nông sản. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng về nông nghiệp, hiện mỗi năm mới xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 40 tỷ USD, riêng thị trường EU đạt trên 5 tỷ USD, cho thấy Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

“Đặc biệt, thu nhập trung bình của người dân EU cao, cao nhất thế giới, đạt gần 90.000 USD/người/năm, họ sẵn sàng trả hàng giá cao hơn cho hàng hóa chất lượng cao hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, con người và môi trường. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không những về số lượng mà còn về chất lượng, hướng tới nền nông nghiệp giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về con người và bảo vệ môi trường”- ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Đáng chú ý, trong các FTA mà Việt Nam tham gia, EU là trường hợp đầu tiên cam kết giảm thuế cho cả hàng nông sản chế biến. Các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội tốt cho hàng nông sản chế biến của Việt Nam khi đưa hàng sang thị trường này.

Ước tính của một số nhóm nghiên cứu cho thấy, khi EVFTA được thực thi, mỗi năm Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu nông sản trên 1 tỷ USD vào EU, giúp GDP nông nghiệp tăng 0,4-0,5% GDP nông nghiệp. Tuy vậy, EVFTA được cho là cũng đặt ra nhiều thách thức với ngành nông nghiệp vốn còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, tiêu chuẩn của EU rất khắt khe. Chẳng hạn như: gỗ muốn xuất khẩu vào EU phải có chứng chỉ bền vững, thủy sản phải không dư lượng kháng sinh…

“Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội với ngành nông nghiệp. Nếu vượt qua hàng rào khắt khe này, nông sản Việt Nam có thể vào được nhiều thị trường khác”- đại diện Bộ NN&PTNT nói.

Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, để vượt qua hàng rào này, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất của ngành, thu hút doanh nghiệp đầu tư thành chuỗi.

Trong 3-4 năm qua, chuỗi doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp tăng gấp 3 lần với 12.851 doanh nghiệp, đã dựng khoảng 1.400 chuỗi sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, có 30 dự án của doanh nghiệp đầu tư vào chế biến với tổng số vốn lên tới hơn 1,5 tỷ USD.

Ngược lại, một số sản phẩm nông nghiệp cũng đứng trước áp lực cạnh tranh, như sản phẩm chăn nuôi. EU có thế mạnh về chăn nuôi bò thịt, lợn thịt. Tính toán sơ bộ cho thấy, lượng thịt nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA tăng 5,8%. Một số sản phẩm khác như mía đường, rau quả ôn đới cũng đứng trước áp lực cạnh tranh cao.

Theo ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc tham gia FTA thế hệ mới với thị trường lớn, năng lực cạnh tranh cao thì một số ngành phải cạnh tranh, trong đó lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển đổi chậm hơn nên được đặc biệt quan tâm.

“EU cũng tạo điều kiện. Ví dụ với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt lợn, thịt gà… và một số nông sản khác thì lộ trình giảm thuế sẽ dài hơn”- ông Lương Hoàng Thái nói.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, để vượt qua được thách thức thị trường, tận dụng cơ hội thì sản phẩm phải nâng cao về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để vượt qua thách thức này.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, để khai thác hết lợi thế của EVFTA, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục củng cố phát triển các hợp tác xã quy mô lớn, hiệu quả tốt hơn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về EVFTA có các chương trình tuyên truyền, vận động để toàn ngành khai thác hiệu quả từ hiệp định.