Ngành nghề nào sẽ thưởng Tết cao nhất?

ANTD.VN - Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày gần tết, người lao động lại háo hức, nóng lòng trông chờ khoản thưởng Tết, với hy vọng cuộc sống thêm phần đủ đầy hơn. Tuy nhiên, không phải ai, không phải vùng miền nào và không phải ngành nghề nào cũng được hưởng các chế độ thưởng Tết như nhau. Dưới đây là 3 yếu tố quyết định đến việc thưởng Tết nhiều hay ít.

Ngân hàng, tài chính, địa ốc... dẫn đầu mức thưởng

Mỗi ngành nghề đều có một đặc thù riêng, cách thức làm việc cũng như hiệu quả và lợi nhuận thu về từ công việc là không giống nhau, bởi vậy luôn tồn tại sự chênh lệch rất lớn về mức thưởng Tết giữa các ngành nghề trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong số những doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao, từ vài tháng lương cho đến vài trăm triệu đồng thường tập trung vào các ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, tài chính, địa ốc... Đã có trường hợp, một cá nhân được nhận mức thưởng Tết lên tới 1,17 tỉ đồng trong ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp thưởng rất ít, chỉ khoảng 50 - 100 nghìn đồng/người, như ngành gia công, chế biến...

Các ngành nghề thưởng Tết cao tập trung vào: ngân hàng, tài chính, địa ốc...

Năm 2018, công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (An Phát Plastic) đã tặng thưởng tiền mặt 900 triệu đồng cho một nhân viên. Ngoài ra, công ty còn kí hợp đồng hơn 30 tỉ đồng để mua 45 xe ô tô và 20 xe máy điện cho các nhân viên xuất sắc. Đây được coi là một trong những hình thức thưởng Tết cao chót vót trong khối các doanh nghiệp.

Đồng bằng thưởng Tết cao hơn vùng sâu, xa miền núi, hải đảo

Vùng miền là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến mức thưởng Tết cũng như những chính sách phúc lợi và các chế độ đãi ngộ của người dân. Một điều hiển nhiên rằng, các vùng miền núi sẽ không có chế độ thưởng Tết hoặc sẽ thấp hơn rất nhiều lần so với các khu đô thị, thành phố hay các khu công nghiệp, bởi điều kiện kinh tế và giao thương buôn bán ở các vùng này còn hạn chế và còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều giáo viên miền núi chưa bao giờ biết đến hai từ "thưởng Tết"

Tại TP. Hồ Chí Minh, thưởng Tết dành cho giáo viên lên đến vài triệu đồng, thầy cô cuối năm có hai khoản thưởng, vừa là tiền tiết kiệm chi, vừa theo cơ chế đặc thù. Nhưng tại các khu vực miền núi, tiền thưởng Tết cho giáo viên chỉ từ 200-300 nghìn đồng, nhiều nơi khác chỉ được chai dầu ăn, gói mì chính làm quà. Thậm chí, nhiều giáo viên vùng sâu vùng xa còn không nhận được một đồng tiền thưởng Tết nào từ nhà trường. Bởi các trường ở miền núi hầu như không có quỹ. Vì đồng bào dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, học sinh hầu như không phải đóng góp khoản gì, còn giáo viên miền xuôi, họ cống hiến hết mình cho nền giáo dục với mức lương tạm đủ nuôi sống bản thân và chưa bao giờ biết đến hai từ “thưởng Tết”.

Năng suất công việc, giá trị thặng dư quyết định

Chất lượng và hiệu quả công việc là một trong những yếu tố khiến các chủ doanh nghiệp đưa ra mức thưởng Tết đối với từng đối tượng lao động. Dù mặt bằng chung, các doanh nghiệp và tổ chức đều có quy định về thưởng Tết, nhưng phần lớn, họ vẫn dựa vào lợi nhuận mà người lao động tạo ra.

Công nhân được thưởng Tết cao vì hiệu suất công việc tăng

Công ty May Đông Mỹ mọi năm vẫn thưởng Tết cho công nhân là 1,5 tháng lương và một phần quà trị giá 3 triệu đồng, gồm tiền mặt và quà của công ty. Nhưng năm nay, do mức thu nhập của công nhân đã tăng hơn so với năm ngoái, nên mức thưởng Tết dự kiến sẽ tăng lên 15%. Bên cạnh đó, Công ty May xuất khẩu Ninh Bình cũng dự kiến sẽ tăng mức tiền thưởng Tết cho cán bộ nhân viên gấp 2 lần tiền lương bình quân của người lao động, tương đương khoảng 17-18 triệu đồng/người. Bởi trong năm qua, mức thu nhập bình quân của người lao đông cao hơn 10% so với năm 2018.

Tựu chung lại, khoản thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên, người lao động phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: ngành nghề, vùng miền và hiệu suất công việc đem lại giá trị thặng dư cho đơn vị, doanh nghiệp. Dù rằng tiền thưởng Tết luôn được người lao động trông đợi, thì trên thực tế đều phải phụ thuộc vào người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị tính toán, cân đối.