Thu hồi thiết bị điện tử, cơ khí hết hạn sử dụng:

Ngành kinh doanh “hàng bãi” có bị đóng cửa?

ANTĐ - Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, rất có thể, tất cả chúng ta đã vi phạm quy định pháp luật khi đang sử dụng những đồ vật hàng ngày. Rất có thể, những lô hàng vừa nhập xong, chưa kịp bày ra tủ kính đã bị thu hồi... Hôm qua, trên giảng đường, có cậu sinh viên đã nửa đùa nửa thật tuyên bố thành lập điểm thu hồi miễn phí tất cả điện thoại, máy tính bảng hết hạn... Cả lớp cười: Thưa ông, ngoài phố các cửa hàng vẫn đang mua mọi thứ còn dùng được. Ai biết cái thời hạn sử dụng nó ghi ở chỗ nào? Vâng, quy định là quy định, nhưng làm sao thực hiện, kiểm soát?

Ngành kinh doanh “hàng bãi” có bị đóng cửa? ảnh 1Ảnh: Internet

Ngày 1-1-2015 đã đến gần

Theo Điều 5.1 của QĐ 50/2013/QĐ-TTg: Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ tại các điểm thu hồi. Cụ thể trong bảng phụ lục danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi và xử lý được ban hành kèm theo Quyết định, từ ngày 1-1-2015 sẽ tiến hành thu hồi những sản phẩm như: ắc-quy, pin, bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính (để bàn, xách tay), màn hình vi tính, cục CPU (bộ vi xử lý máy tính), máy in, máy fax, máy scanner, máy chụp ảnh, máy quay phim, ĐTDĐ, máy tính bảng, đầu DVC, VCD, CD, các loại đầu đĩa khác đã hết thời hạn sử dụng. Đã là quy định thì phải thực hiện, không ai được quyền vi phạm.

Vì sao có quy định này? Đó là vì môi trường? Rác điện tử vô cùng nguy hại. Sự gia tăng nhập khẩu rác thải điện tử cùng với sự gia tăng của lượng sản phẩm bị thải bỏ đang khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành “núi rác công nghệ” hết sức đáng ngại. Thực tế cho thấy, với những nơi đông dân như TP.HCM và Hà Nội, mỗi năm có hàng triệu chiếc điện thoại phải thải bỏ do lỗi thời, hư hỏng... Rác thải điện tử nguồn gốc từ sản phẩm như tủ lạnh, tivi, điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác. Khi thải ra môi trường, chúng có thể gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, có thể gây ra các bệnh về ung thư, tim mạch... được ví như “quả bom hẹn giờ” đối với sự sống của trái đất.

Tuy nhiên, nếu thu hồi thì làm sao để biết các đồ dùng của mình đã hết hạn sử dụng để đi tìm hoặc khiếu kiện để nơi thu hồi các sản phẩm quá hạn lộ diện. Từ trước đến nay, chỉ có đồ ăn được, đồ uống được, may còn có thời hạn sử dụng, các thiết bị viễn thông như ĐTDĐ, loa, thiết bị máy tính... đều chưa thấy ghi hạn sử dụng trên sản phẩm. Quy trình của các nhà sản xuất thiết bị điện tử là chỉ ghi tháng, năm sản xuất lên vỏ hộp. Vậy làm sao để biết thời hạn sử dụng? QĐ50/2013/QĐ-TTg không chỉ ra điều ấy. 

Và nỗi lo của năm 2016

Đến ngày 1-1-2016, những sản phẩm có khối lượng lớn và có mặt ở phần lớn các gia đình ở các thành phố đô thị cho tới tận vùng sâu vùng xa như: tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa, máy in, ôtô, xe máy quá hạn cũng sẽ bị thu hồi tiêu hủy. Theo thống kê của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI - Bộ KH&CN), hiện nay, trung bình mỗi năm, một người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1kg rác thải điện tử, như vậy tổng lượng rác thải điện tử cả nước lên tới 90.000 tấn/năm.

Nhưng nếu những điều khoản của QĐ50/2013/QĐ-TTg được thực hiện triệt để, con số ấy sợ rằng chỉ còn là số lẻ và sẽ có 2 vấn đề lớn sẽ được đặt ra: Thu hồi như thế nào và tiêu hủy rác thải sẽ ra sao? Hiện nay trong tổng số 15 công ty được cấp phép xử lý rác thải điện tử thì chỉ có 3 đơn vị được đánh giá là có dây chuyền xử lý đầy đủ (tái chế/ xử lý/ thải bỏ các kim loại từ rác thải điện tử) tại 3 địa phương: Hải Dương, Bình Dương và Hà Nội với công suất cực kỳ hạn chế. Vậy chỉ còn cách chôn lấp. Đa số các bãi chôn lấp hiện chỉ đơn thuần là nơi đổ rác, chưa được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đúng quy định; vị trí gần khu dân cư (cách 200-500m, thậm chí có bãi chỉ cách 100m); không có lớp chống thấm ở thành và đáy ô chôn lấp; không có hệ thống thu gom và xử lý nước rác, khí rác. Việc này gây ô nhiễm đất, nước, không khí và hệ sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Nhưng với những thiết bị điện tử, cơ khí sẽ thu hồi từ 1-1-2016 thì vấn đề sẽ rất nghiêm trọng. Khối lượng lớn và lượng phế liệu có thể thu hồi, tái sử dụng cũng sẽ rất lớn. Nếu không kịp thời xây dựng những khu công nghiệp chế biến rác thải công nghiệp sẽ khó đối phó với tình hình. Chỉ riêng đối với các thiết bị ôtô, xe máy, việc phân rã, xẻ thịt, xử lý những bãi phế liệu cũ đã gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các làng nghề ven sông Hồng huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến nay chưa khắc phục nổi. Tương lai sẽ ra sao? Việc xử lý đồng loạt hàng triệu tủ lạnh cũ với những hóa chất độc có thể gây hại tới tầng ôzôn cũng chưa hề được đặt ra, khi chỉ còn 1 năm nữa thời hạn thu hồi đã đến. 

Rõ ràng, trách nhiệm đối với khối rác thải điện tử này là của các DN làm ra nó. QĐ50/2013/QĐ-TTg cũng quy định như vậy. Theo đó, các DN sản xuất và nhập khẩu những sản phẩm này sẽ có nhiệm vụ thiết lập điểm thu hồi, thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ, sau đó vận chuyển những sản phẩm này đến các cơ sử xử lý để tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy... DN, người tiêu dùng, cơ sở thu gom sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, những DN sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi các sản phẩm thải bỏ là chất nguy hại thì được miễn đăng ký chủ nguồn thải chất thải gây nguy hại. Quy định thu gom rác nguy hại cũng chẳng sai. Nhưng cái chưa hợp lý là lại yêu cầu nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đi thu gom, khi hệ thống cửa hàng là nằm trong tay nhóm phân phối, bán lẻ, đại lý. Con đường thu hồi cũng sẽ dài như con đường của sản phẩm từ xưởng sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hiện nay chi phí để phân phối sản phẩm chiếm khoảng trên 30% giá thành sản phẩm, vậy chi phí cho thu hồi sẽ là bao nhiêu? Hơn nữa, đã có đội ngũ “đồng nát” thu gom từ chai lo nhựa cho đến hàng điện tử ngày ngày đi rao khắp hang cùng ngõ hẻm. Sẽ có rất nhiều sản phẩm lẽ ra bị thu hồi sẽ rơi vào các xưởng tái chế kiểu gia đình mà chưa quản lý được, có thể gây hại cho môi trường nhiều hơn để yên cho nó hoạt động. Vậy cho nên, đến cái thùng rác phân loại cũng bị “thất nghiệp”, và tương lai, điểm thu gom các sản phẩm quá hạn, hư hỏng của nhà sản xuất cũng không cạnh tranh được với đội quân này. 

Kinh doanh đồ cũ tính sao? 

Cũng giống như nhiều nước phát triển, Việt Nam có một mảng kinh tế luôn mạnh - đó là kinh doanh đồ cũ - giúp mọi tầng lớp nhân dân trong nước tiếp xúc sớm với những sản phẩm công nghệ cao và giá thành rẻ hơn. Nhưng nếu cứ  tiếc thay, nếu như quy định cấm sử dụng một số đồ điện tử, cơ khí đã hết hạn sử dụng thì sau thời hạn 1-1-2015, nghề kinh doanh các thiết bị điện, điện tử cũ sẽ bị khai tử và đến năm 2016 gần như tất cả các hiệu buôn bán đồ cũ, từ hàng bãi nhập khẩu của Nhật Bản cho tới hàng thu mua trong nước sẽ cũng đóng cửa theo. 

Các DN sản xuất kinh doanh hàng điện tử, cơ khí cũng không phải không có mong muốn tham gia xử lý rác thải công nghệ. Microsoft (sở hữu Nokia) vẫn đang triển khai chương trình thu hồi điện thoại hoặc linh kiện cũ của Nokia không còn sử dụng. Microsoft cũng đã triển khai thêm chương trình “1 điện thoại, 1 cây xanh” tại Huế.

Cụ thể, cứ mỗi một sản phẩm không còn sử dụng mà khách hàng đem đến các điểm bảo hành của Nokia, Microsoft sẽ trồng thêm 1 cây xanh cho rừng ngập mặn Việt Nam. Tương tự, đại diện của Sony tại Việt Nam cũng cho biết bắt đầu từ năm 2009, Sony đã triển khai chương trình thu hồi tất cả các thiết bị linh kiện, sản phẩm cũ không còn được sử dụng của Sony. Điểm thu hồi đặt tại các cửa hàng bảo hành ủy quyền của Sony. Tuy nhiên, sự thật là tất cả những công việc họ đã làm, thuần túy chỉ là tuyên truyền, thậm chí chỉ là hành vi quảng cáo cho thương hiệu, bởi số lượng rác thu hồi quá ít. Nói như đại diện của Samsung là đúng nhất: Sau khi nhận được thông báo về QĐ50/2013/QĐ-TTg, Samsung đã chủ động liên hệ với các Bộ, ban, ngành và hiện vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên & Môi trường về quy trình thu hồi và xử lý rác thải điện tử. Thời hạn hiệu lực của QĐ 50/2013/QĐ-TTg đã đến rồi mà chưa thấy bóng dáng của Thông tư hướng dẫn. 

 Như vậy, mặc dù còn nhiều bất cập về công tác quản lý và cơ sở hạ tầng cho việc xử lý và tái chế rác thải điện tử được thu hồi ở Việt Nam, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Quyết định trên là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội - môi trường tại Việt Nam. Vấn đề là cần có thêm những hướng dẫn phù hợp với hiện thực, những chính sách có lợi cho đời sống kinh tế xã hội. Có lẽ nó đang nằm ở các văn bản hướng dẫn thực hiện QĐ 50/2013/QĐ-TTg chăng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên CNTT phân tích: Thực tế người tiêu dùng hoàn toàn có quyền quyết định với sản phẩm mà họ đã mua. Nhưng khác với các các nước phát triển, ngoài việc chuẩn bị tốt công tác thu hồi, tái chế sản phẩm, hệ thống thu gom, xử phạt, các quốc gia còn có cả hệ thống chính sách, biện pháp khuyến khích trong việc thu hồi các sản phẩm điện tử hết hạn sử dụng. Quay trở lại thực tế ở nước ta, có 3 vấn đề cần quan tầm: Thứ nhất, các thiết bị nằm trong danh mục được thu hồi đa số không ghi rõ hạn sử dụng cụ thể trên sản phẩm, điều này nằm ở quy trình của các nhà sản xuất thiết bị là chỉ ghi tháng và năm sản xuất lên vỏ hộp, cũng không hề đề cập đến thời gian sử dụng tối đa của sản phẩm, có chăng nếu có thì chỉ là thông tin về chính sách hỗ trợ và thời gian bảo hành. Vì thế, nếu QĐ50/2013/QĐ-TTg được triển khai, nhà sản xuất cần phải thông tin rõ về thời hạn sử dụng sản phẩm cho khách hàng khi tiền hành mua-bán sản phẩm. Thứ hai, là các nhà sản xuất cần phải thành lập các bộ phận thu hồi trực tiếp hoặc thông qua các kênh phân phối chính thức được cấp phép của mình để trực tiếp hoặc gián tiếp nhận lại sản phẩm hết hạn sử dụng từ người tiêu dùng. Ở đây, người tiêu dùng chỉ có trách nhiệm chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, trách nhiệm còn lại là công việc của các nhà sản xuất hoặc công ty nhập khẩu sản phẩm. Thứ ba là vấn đề chính, đó là khi mua sản phẩm người tiêu dùng có toàn quyền quyết định đối với sản phẩm mà họ đã mua, nhưng với thói quen và tâm lý sử dụng sản phẩm của người Việt Nam nói chung thì người dân sẽ sử dụng sản phẩm cho đến khi thiết gặp lỗi, bị hỏng không còn khả năng sửa chữa, hoặc đã quá lỗi thời thì mới bỏ thiết bị cũ, mua thiết bị mới. Nhưng đến khi đó để người dùng đem các sản phẩm cũ, hỏng đến các điểm thu hồi sẽ ít được lựa chọn bởi tâm lý số đông họ sẽ đem các đồ vật cũ, hỏng, hết thời hạn sử dụng bán đồng nát để thu lại ít tiền là yếu tố cần tính đến khi QĐ50/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành.