Ngành hàng không phải nhìn thẳng vào khuyết điểm để khắc phục

ANTĐ - Đó là ý kiến của bà Võ Thị Dung, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. HCM tại cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ sáng qua (29-10), về một số vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực hàng không. 

- PV: Có ý kiến cho rằng, 2 sân bay hàng đầu của Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài nằm trong số sân bay có chất lượng kém nhất châu Á, quan điểm của bà?

- Bà Võ Thị Dung: Tôi không đánh giá như vậy. Tuy nhiên, tôi thấy các sân bay cần tăng cường quản lý và phục vụ hành khách thật tốt, đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập và phát triển của nước ta với thế giới và trong khu vực. Theo đó, các sân bay cần được nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đặc biệt phải thay đổi phong cách phục vụ, nhất là khâu làm thủ tục xuất, nhập cảnh phải nhanh gọn, khoa học. Mặt khác, các chuyến bay phải đảm bảo giờ giấc và tạo cho hành khách cảm giác yên tâm, thoải mái khi đặt chân lên máy bay. 

- Năm 2013, ngành hàng không được xếp loại tốt nhất về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, 2 sân bay lớn nhất trong nước vẫn bị đánh giá “thấp điểm”, vì sao, thưa bà?

- Việc cải cách có đáp ứng được nhu cầu phục vụ hành khách tầm cỡ khu vực và thế giới hay không mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào những khuyết điểm và đề ra giải pháp khắc phục, cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Việc phân cấp quản lý phải rõ ràng, để cơ quan thực thi nhiệm vụ có quyền chủ động trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp giữa các ngành. Vấn đề này rất quan trọng, bởi một bộ phận không thể giải quyết hết các mối quan hệ liên quan và cần phải có sự chỉ đạo đồng bộ giữa các ngành trong việc nâng cao chất lượng phục vụ. Cũng cần phải áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, để cải cách ngành hàng không.

- Ai phải chịu trách nhiệm về những tồn tại của ngành hàng không hiện nay?

- Vấn đề ở đây là cộng đồng trách nhiệm. Trong đó có cả  sự điều hành của Chính phủ, bộ chủ quản là Bộ Giao thông vận tải. Phải phát huy được sự chủ động phối hợp một cách đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành có liên quan với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Hiện nay, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và đây cũng là một trong những cơ sở để giải quyết những tồn tại của ngành hàng không. Tuy nhiên, chỉ luật thôi chưa đủ mà cần phải có chiến lược dài hạn, để phát triển ngành hàng không một cách đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.