Ngành du lịch cộng dồn

ANTĐ - Tổng cục Du lịch thông báo, mặc dù trải qua một năm đầy sóng gió với nền kinh tế khó khăn, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan với ước tính tổng số khách quốc tế đến trong năm 2012 đạt hơn 6,8 triệu lượt khách, tăng gần 14% so với cả năm 2011. 

Cứ theo báo cáo thì ngành du lịch đã vượt qua một năm nhiều khó khăn để cán đích và thậm chí còn vượt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách quốc tế như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tuy vậy cần nhìn nhận con số trên 6,84 triệu lượt người nước ngoài vào nước ta trong năm 2012 không phải toàn bộ là du khách quốc tế. Đó là những vị khách quốc tế vào Việt Nam, nhưng không thể nói đây là khách du lịch quốc tế, hoặc tất cả họ có sử dụng dịch vụ du lịch.

Theo con số của Tổng cục Thống kê năm 2012 có 4,17 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam với mục đích du lịch, 1,16 triệu lượt đi công việc, 1,15 triệu lượt về thăm thân. Như vậy, rõ ràng không thể gom hơn 2,3 triệu lượt người vào làm việc và thăm thân thành du khách quốc tế. Rất nhiều trong số này đến Việt Nam để lao động, buôn bán, khám chữa bệnh (như khách từ Trung Quốc, Campuchia) hay dạy học (các chuyên gia từ Philippines, Úc, Mỹ)… Còn theo con số của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thông báo vào cuối tháng 8-2012: Thống kê chưa đầy đủ, đang có trên 77.000 lao động nước ngoài tại Việt Nam. Giữa tháng 9, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho hay có khoảng 80.000 công dân Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam … Phải chăng các con số trên cũng đã được cộng dồn vào thành du khách quốc tế?!

Lâu nay, cơ quan quản lý du lịch  luôn lấy tổng số lượt khách quốc tế vào Việt Nam làm con số cho ngành mình. Lúc thì gọi thẳng là khách du lịch quốc tế, lúc thì tuyên bố là khách quốc tế  do “ngành du lịch đón”…

Đáng ngại  là con số tổng lượt người nước ngoài vào Việt Nam còn được dùng để lập chỉ tiêu cho năm tiếp theo (so sánh năm sau tăng hơn năm trước như con số 14% trên), thậm chí phục vụ nghiên cứu thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, khách vào đông cũng mừng nhưng phải biết ai là khách du lịch thật, nhu cầu thật là gì để có sản phẩm du lịch phù hợp phục vụ họ.

Thế nên, việc nhìn nhận tách bạch mới thực sự giúp ích cho chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam, để xây dựng tổ chức các chương trình kích cầu sao cho sát với thực tế và đáp ứng nhu cầu của du khách. 

Năm 2013, ngành du lịch sẽ xây dựng nhiều chương trình quảng bá điểm đến với khẩu hiệu "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn", nhưng “tiểm ẩn” ngay trong những con số thống kê báo cáo thì không nên.