Ngành đào tạo thừa “đầu ra”

ANTĐ - Ngày 27-12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ kiến nghị Thủ tướng dừng việc mở cơ sở đào tạo đại học (ĐH) mới, tập trung vào nâng cao chất lượng.

Các trường sẽ không dễ chạy theo ngành “hot” trong năm 2013

Bộ muốn dừng, trường muốn mở

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trong năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy. Đáng chú ý là việc điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Khẳng định vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh sẽ không mở mới ngành kinh tế vì cung đã vượt cầu quá nhiều. Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến cáo phụ huynh cần định hướng cho con cái trước những ngành đã quá dư thừa nhân lực.

Không chỉ có nhóm ngành kinh tế, tài chính thừa nhân lực mà bàn về chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm, Bộ GD-ĐT cho hay, do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần so với năm 2012 và tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới đây trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.

Điều đáng nói là trong khi các nhà quản lý đưa ra cảnh báo không nên mở thêm ngành dư thừa nguồn nhân lực thì khởi động mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, nhiều trường vẫn tìm cách mở mới các ngành này. Hiệu trưởng một trường ĐH tại Quảng Ninh cho biết, vì nhu cầu địa phương nên trường vẫn xin mở thêm ngành tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh. Một trường khác thuộc khối nông lâm cũng đang lên kế hoạch mở thêm ngành tài chính ngân hàng vì cho rằng đây là ngành “hot” và thực tế dù đào tạo trái tay nhưng chỉ tiêu vào các ngành thuộc khối kinh tế của trường này chiếm tới một nửa số chỉ tiêu. 

Kỷ luật nặng vi phạm tuyển sinh 2012

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả thanh tra tuyển sinh 2012 cho thấy, không ít trường vi phạm quy chế, tuyển sinh vượt chỉ tiêu rất nhiều. Theo Bộ trưởng, với những trường hợp này, nếu chỉ phạt hành chính thì vẫn lãi lớn, hiệu quả kinh tế cao nên các trường cố tình vi phạm”. Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định xử mạnh tay bằng các quyết định kỷ luật hiệu trưởng theo đúng mức vi phạm. “Trường thuộc các bộ ngành khác thì chúng tôi sẽ yêu cầu các bộ, ngành này xử lý nghiêm và báo cáo về Bộ GD-ĐT. Năm nay bên cạnh xử lý tập thể thì phải có cá nhân chịu trách nhiệm. Phải kiên quyết xử lý người đứng đầu. Vi phạm càng tràn lan, phổ biến thì càng phải xử phạt”-Bộ trưởng khẳng định.

Với chủ trương giảm chỉ tiêu hệ tại chức, liên thông và đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, kế hoạch năm 2013 sẽ lần lượt thanh tra các hoạt động này trong các trường ĐH, CĐ. Được biết, đối với chỉ tiêu hệ tại chức, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm, Bộ GD-ĐT cho phép tối đa bằng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH, giảm khoảng 30% so với năm 2012 và tiếp tục giảm chỉ tiêu theo lộ trình 20%/năm và chấm dứt đào tạo trước năm 2017.

Năm 2013, chỉ tiêu tuyển mới của ngành và các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT là 133.000 chỉ tiêu đối với hệ ĐH, 17.000 chỉ tiêu đối với hệ CĐ, 7.200 chỉ tiêu đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ trong năm 2013 là 1.350 người, thạc sỹ là 27.000 người, đào tạo chuyên khoa 1.000 người. Như vậy, năm 2013 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 5% và thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2012. Với hệ liên thông, văn bằng 2 chính quy, chỉ tiêu là 30.000; hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm là 66.500; đào tạo từ xa là 40.000.