Ngăn virus tin đồn

ANTĐ - Chị Nguyễn Tây An (22 tuổi, ở Đê La Thành, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán trước những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.

- Tin đồn kiểu này giờ không thiếu, nó lây lan rất nhanh trên các mạng xã hội. Mà hình như ai cũng dễ tin?

- Thì ở một số diễn đàn mạng, blog cá nhân người ta đưa cả dẫn chứng như thật rằng có gia đình đã bắt được đỉa trong sữa hay là có hẳn một bệnh nhân phải đi cấp cứu, bác sỹ mổ cấp cứu đã ngất khi thấy trong bụng bệnh nhân toàn... đỉa. Có phải ai cũng biết đỉa không sống được trong môi trường ngọt, đậm đặc, đóng kín như sữa đâu? Vấn đề là mục đích của những người tạo tin đồn là gì? Để câu lượt người xem, hay là trò đùa ác ý thì cũng không thể chấp nhận được. Thế nên có người bảo Việt Nam có số lượng người sử dụng các mạng xã hội lớn nhưng chưa thực sự có một cộng đồng mạng. Vì nó thiếu tính nghiêm túc, tính xã hội. Ai thấy tin nào “hot” là chia sẻ ngay không cần biết nó có chính xác hay không, rất nguy hiểm.

- Nhưng cũng có nhiều hữu ích khi sử dụng các mạng xã hội đúng cách đấy chứ? Chẳng hạn như chuyện người con tìm được mẹ thất lạc nhờ Facebook đấy.

- Thế chuyện đăng ảnh ở phố Hàng Mã rồi chú thích là “bị đánh do chụp ảnh chưa xin phép” thì sao? Rồi đơm chuyện về một bà già bất hảo vật vờ ở hồ Thiền Quang. Cố tình làm sai sự việc cũng tạo nên một hiệu ứng tiêu cực. Chưa kể làm xấu đi hình ảnh của chính mình, thành phố mình. 

- Làm thế nào để ngăn hiệu ứng virus tin đồn này?

- Khi vẫn còn những người vô ý thức thì khó lắm. Và mỗi cư dân mạng cần cân nhắc trước mỗi thông tin nhận được trước khi tiếp tục chia sẻ. Đừng vô tình tiếp tay cho những trò đùa tai hại, ý đồ xấu.