Ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật

(ANTĐ) - “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” - Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 01 ngày 8-5-2002 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã định hình được hơn 5 năm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

5 năm thực hiện mô hình phối hợp quản lý con em giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ và CATP Hà Nội:

Ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật

(ANTĐ) - “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” - Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 01 ngày 8-5-2002 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã định hình được hơn 5 năm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Hà Nội, NQLT 01 đã được quán triệt, thực hiện sâu rộng đến các cấp, các ngành, địa phương, tạo nên kết quả tích cực, đã kiểm soát tốt tiến tới ngăn chặn tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật!

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Giám đốc CATP, Trưởng BCĐ NQLT 01 thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau khi NQLT 01 có hiệu lực, Hội LHPN và CATP Hà Nội đã phối hợp thành lập BCĐ, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm phát huy NQLT 01 một cách đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả cao.

CAP Đồng Nhân tuyên truyền Luật Giao thông cho học sinh trường THCS Trưng Nhị
CAP Đồng Nhân tuyên truyền Luật Giao thông cho học sinh trường THCS Trưng Nhị

Ban đầu là triển khai điểm tại một số địa bàn như quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Đông, huyện Gia Lâm, xã Tây Đằng (huyện Ba Vì)... nhằm rút kinh nghiệm, từ đó mới nhân rộng trên toàn thành phố. Thế mạnh của NQLT 01 là vừa phát huy được yếu tố nghiêm minh của pháp luật (cơ quan công an), vừa tăng cường vai trò giáo dục của gia đình (đặc biệt là vai trò của người mẹ), trong việc quản lý con trẻ. Chính vì vậy, khi triển khai NQLT 01, BCĐ của Hà Nội xác định công tác đầu tiên là tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, nâng cao trách nhiệm của gia đình trong quản lý, giáo dục con em.

Công tác tuyên truyền này gắn chặt với các phong trào thi đua của Hội Phụ nữ thành phố, quận, huyện, như “Phòng chống ma túy từ gia đình”, “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”. Từ năm 2002 đến năm 2008, BCĐ thực hiện NQLT 01 các cấp đã tổ chức gần 900 hội nghị tập huấn cho cán bộ cơ sở về các chủ đề phòng chống ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội; 100% CBCS Công an được quán triệt mục đích, ý nghĩa và các nội dung nhiệm vụ cụ thể của “01”. Phong phú về biện pháp, thiết thực trong chủ trương, công tác tuyên truyền “01” tại Hà Nội ngày càng được đổi mới, tạo điều kiện cho những mô hình hay, những sáng kiến “vì trẻ em” được phát huy.

Điển hình cho những sáng kiến này là CLB “Gia đình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân; mô hình “Tổ phụ nữ và gia đình không có người nghiện và vi phạm pháp luật” tại thôn Nhồi, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh; hay mô hình câu lạc bộ “Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên” đang được nhiều địa bàn áp dụng...

Khi tinh thần của “01” đã được quán triệt sâu rộng, khi các kế hoạch được xác lập, từng phần việc cụ thể được BCĐ thực hiện NQLT 01 Hà Nội định hướng cho các cấp địa phương triển khai. CATP, Hội Phụ nữ phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên và các ngành, đoàn thể khảo sát, lên danh sách phân loại các gia đình có con em hư, chậm tiến hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật để có biện pháp quản lý, giúp đỡ.

Công tác giáo dục thanh thiếu niên thường xuyên được cán bộ công an và hội viên phụ nữ chú trọng với những nội dung như tăng cường giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật, không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, không sử dụng các đồ chơi kích động bạo lực. Hơn lúc nào hết, vai trò của người phụ nữ được đề cao. Nhiều hội phụ nữ cơ sở đăng ký giúp đỡ 100% người nghiện là chồng, con cán bộ, hội viên phụ nữ; tiếp cận để tuyên truyền giúp đỡ và vận động đi cai nghiện. Từ năm 2003 đến năm 2008, đã có gần 1.400 lượt đối tượng được hội viên phụ nữ vận động đi cai, gần 200 người không tái nghiện trên 3 năm.

Phát triển thêm ưu điểm của NQLT 01, BCĐ thực hiện NQLT 01 của Hà Nội đã gắn chặt các nội dung của “01” với NQ 09 của Chính phủ về chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT. Qua đó, các cấp hội phụ nữ tích cực vận động, tổ chức hội viên và nhân dân tham gia tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Trong 5 năm qua, các hội viên phụ nữ đã cung cấp cho cơ quan chức năng gần 600 tin về tội phạm; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức răn đe, kiểm điểm hơn 600 lượt đối tượng; có gần 150.000 lượt gia đình hội viên ký cam kết giáo dục con em không vi phạm pháp luật.

Theo Thường trực BCĐ thực hiện NQLT 01 của Hà Nội: “NQLT 01 không chỉ giúp công tác quản lý giáo dục con em được hiệu quả, giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, mà còn củng cố, xây dựng tổ chức hội Phụ nữ và lực lượng công an trong sạch, vững mạnh”. Hơn 5 năm triển khai Nghị quyết, toàn thành phố có 518 lượt tập thể - 291 lượt cá nhân xuất sắc được các cấp khen thưởng. Đây chính là những hạt nhân phát triển hơn nữa hiệu quả của NQLT 01, và cũng chính là những nhân tố làm giảm, ngăn ngừa, đấu tranh kiên quyết với hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật.

Minh Hà