Ngăn ngừa hành vi tiêu cực trong trường học

ANTĐ - Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội cùng nhiều chuyên gia, giáo viên vừa cảnh báo về việc các trường coi nhẹ chăm sóc đời sống tinh thần của học sinh. 

Ngăn ngừa hành vi tiêu cực trong trường học ảnh 1Khi gặp vướng mắc, khó khăn thì các em lại thiếu nơi tin tưởng để tư vấn tâm lý
(ảnh minh họa)


- Vì sao các trường học ở Hà Nội vẫn chưa đưa tư vấn tâm lý thành một hoạt động chính thống, thưa ông?

- Trong Điều lệ trường học, chúng ta có quy định, các nhà trường phải có phòng giáo dục thể chất, phòng y tế học đường, tùy theo điều kiện có thể có phòng tiếp dân nhưng lại chưa đưa phòng tư vấn tâm lý vào điều lệ. Chính vì vậy, các trường chưa có cơ sở để thành lập phòng chức năng này. 

- Vậy trường học có kênh nào để thu nhận và phản hồi thông tin từ phụ huynh, học sinh, thưa ông?

- Theo quy định, các trường phải xây dựng hòm thư góp ý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kênh thu nhận, còn thiếu chiều phản hồi trực tiếp. Việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý sẽ giúp học sinh có nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm, đánh giá quan hệ với bạn bè, tìm hiểu tâm sinh lý bản thân hay góp ý về tiết dạy, thái độ của giáo viên... Đây là biện pháp tăng cường dân chủ hóa trong trường học. 

- Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm hiện nay có thể đảm nhiệm được công việc tư vấn tâm lý hay không?

- Hiện nay, lứa tuổi vị thành niên phát triển nhanh hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Các bạn trẻ nhìn nhận, cảm nhận dưới nhiều góc cạnh, tuy nhiên, khi gặp vướng mắc, khó khăn, các em lại không có nơi tâm sự. Giáo viên chủ nhiệm có thể làm việc đó nhưng với 40-50 học sinh mỗi lớp thì khó có đủ thời gian để lắng nghe và trả lời chu đáo những chia sẻ của học trò...

- Có chuyên gia cho rằng thành lập thêm một phòng tư vấn tâm lý là không cần thiết bởi học sinh ít tìm đến giáo viên để tâm sự?

- Đã có trường hợp học sinh ở huyện Thạch Thất uống thuốc diệt cỏ vì bị bạn đưa lên Facebook với hình ảnh gán ghép phản cảm. Một lớp trưởng gương mẫu đã tự tử vì bị đổ oan làm mất tiền của lớp. Còn nhiều trường hợp học sinh bị trầm cảm, tự kỷ hay mang bệnh nặng có thể có hành động thiếu suy nghĩ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng... Trong dự án Plan đang thí điểm tại Hà Nội, một nữ sinh ở huyện Ba Vì đã thú thực mình bị quấy rối tình dục trong gia đình. Do đó, rất cần phòng tư vấn tâm lý như một chìa khoá tháo gỡ những rối nhiễu tâm lý của học sinh, ngăn ngừa hành vi tiêu cực. Nếu chỉ nghĩ phải tốn thêm một khoản lương cho giáo viên, một khoản đầu tư là chưa đầy đủ. Cần nhìn rộng hơn để thấy những mặt tích cực của điều đó.

- Hà Nội đã có đề xuất gì về việc này, thưa ông?

- Chúng tôi đã chính thức đề xuất với Bộ GD-ĐT đưa vào Điều lệ trường học về việc phải có phòng tư vấn tâm lý. Đây là hoạt động phải được định danh. Bên cạnh đó, cần có chế độ chính sách, biên chế cho những người làm công tác này. Ngoài ra, phải có tài liệu hướng dẫn và tăng cường truyền thông đến cha mẹ, giáo viên, học sinh về sự cần thiết của phòng tư vấn tâm lý. Điều quan trọng nữa là phải quy định về bảo mật thông tin cá nhân cũng như đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tư vấn cho các em. Cán bộ tư vấn tâm lý không dứt khoát nắm bắt được mọi thứ nhưng phải là đầu mối liên hệ với các nhà xã hội học, bác sĩ, nhà văn hoá... để có thể đem lại câu trả lời hữu ích cho các em. 

- Trước khi đề xuất này được chấp thuận, Hà Nội có xúc tiến công tác tư vấn trong trường học hay không?

- Hà Nội rất quan tâm chăm sóc đạo đức cho học sinh. Hà Nội đang phối hợp với Plan Việt Nam triển khai dự án phòng chống bạo lực trong trường học, với hơn 20.000 học sinh tham gia. Trong dự án này, có cả việc xây dựng các phòng tư vấn tâm lý và đã hoạt động tốt với kết quả ban đầu thu hút được sự quan tâm của học sinh và phụ huynh như các trường Chu Văn An, Nguyễn Thị Minh Khai, Cầu Giấy, Ngô Sỹ Liên, Cổ Loa, Vạn Thắng... Học sinh đang được hưởng món quà tinh thần từ hoạt động này. 

- Xin cảm ơn ông!

Đã có kết quả mới về đánh giá học sinh tiểu học

Sơ kết học kỳ I năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thống kê theo quy định mới về cách đánh giá xếp loại học sinh tiểu học, thành phố đạt tỷ lệ 93 đến trên 99% học sinh tiểu học hoàn thành các môn học. Về đánh giá năng lực, phẩm chất, tỷ lệ học sinh xếp loại đạt đều vượt trên 99%. Toàn thành phố chỉ có xấp xỉ 4.000 học sinh xếp loại chưa đạt về năng lực và hơn 1.300 học sinh chưa đạt về phẩm chất. Với 2 môn Toán và Tiếng Việt, tỷ lệ học sinh hoàn thành các môn học này đều cao với mức 98-99%. Riêng lớp 1 vẫn còn 1.700 học sinh xếp loại chưa hoàn thành.