Ngăn ngừa các sự cố tương tự vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

ANTĐ - Sau khi giải cứu an toàn 12 công nhân mắc kẹt  trong sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo, (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) công trình đang bị buộc dừng thi công để điều tra nguyên nhân gây nên sự cố nghiêm trọng này. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời về những vấn đề liên quan.

Ngăn ngừa các sự cố tương tự vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ảnh 1
- PV: Mặc dù, việc giải cứu các công nhân đã thành công nhưng sự cố tại công trình này sẽ tiếp tục được giải quyết ra sao và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Việc đầu tiên phải làm là phong tỏa, bảo vệ hiện trường và tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố. Sau khi có kết quả điều tra nguyên nhân sự cố, phải phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động xây dựng có liên quan đến công trình này. Với việc phân định rõ trách nhiệm sẽ có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư và các nhà thầu phải khắc phục các hậu quả theo quy định của pháp luật trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét việc có cho phép tiếp tục thực hiện dự án hay không. Theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

Ủy ban nhân dân tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết (Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP).

Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan khác có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- An toàn hồ đập và các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã nhiều lần được Bộ Xây dựng cảnh báo. Bộ Xây dựng có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo chất lượng cho nhóm công trình này và ngăn ngừa các sự cố tương tự như tại thủy điện Đạ Dâng vừa qua?

- Với trách nhiệm là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý chất lượng công trình xây dựng, hướng dẫn Luật Xây dựng 2014 với nhiều nội dung đổi mới trong đó đặc biệt là phân định rõ và tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung và các công trình xây dựng chuyên ngành nói riêng (ví dụ như các cơ quan quản lý Nhà nước ngành xây dựng đối với các công trình dân dụng, ngành công thương đối với các công trình thủy điện, ngành giao thông đối với các công trình giao thông...).

Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, với trách nhiệm là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước chất lượng công trình trên toàn quốc, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ và Sở Công Thương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và công tác quản lý chất lượng nói riêng, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng và nghiệm thu; Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh sẽ phối hợp để thực hiện các công việc này. Trường hợp phát hiện các sai phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

-  Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Chủ đầu tư xin lỗi chính quyền và người dân

“Chúng tôi xin lỗi các công nhân bị nạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và người dân về sự cố không mong muốn, bất khả kháng vừa xảy ra”, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Vietrancimex (Công ty mẹ của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội – chủ đầu tư công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo), nói lời xin lỗi tại cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức chiều 22-12. 

Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông Võ Nhật Thăng sau khi sự cố sập hầm xảy ra, với lý do vừa “có việc đi nước ngoài một tuần”.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng sự cố sập hầm vừa rồi là tai nạn lao động nghiêm trọng nhất trên địa bàn từ trước đến nay; đã gây khó khăn cho tỉnh và các đơn vị của tỉnh tham gia cứu hộ còn thiếu kinh nghiệm. Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng thừa nhận do lần đầu tiên có sự cố này xảy ra nên khó tránh khỏi lúng túng, công tác chỉ huy thời gian đầu chưa làm tốt, lực lượng quá nhiều đến mức quá tải nhưng còn thiếu kinh nghiệm.