Ngẩn ngơ mây trắng Ba Vì

ANTĐ - Tôi cứ bị ảm ảnh bởi câu thơ của Nguyễn Khôi: “Tháng 9 Ba Vì mây trắng nõn”, nên quyết định cùng với mấy bạn thơ xứ Đoài về thăm quê hương của nhà thơ Quang Dũng, tác giả “Đôi mắt người Sơn Tây”.

Ba Vì mây và hoa

Trời se lạnh, 6 anh em chúng tôi ăn mặc gọn nhẹ, máy ảnh đeo trước ngực như các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, đèo nhau trên 3 chiếc xe máy, phóng theo Quốc lộ 32 chừng 50km đến thị xã Sơn Tây, xuôi theo đường về hồ Suối Hai thêm 16km nữa, nhìn sang phía tay trái, thấy mờ ảo trong mây là màu xám trắng của 3 đỉnh núi Ba Vì: đỉnh Vua, đỉnh Tản và đỉnh Ngọc Hoa quanh năm mây phủ.

Trước khi leo núi, chúng tôi ghé vào xã Vân Hòa để được chiêm ngưỡng giếng nước mang cái tên rất gợi cảm. Gọi theo tiếng Mường là giếng Pó Ché, còn theo chữ Nôm của người Kinh là giếng Âm hộ. Được “mục sở thị” tận nơi, miệng giếng trông rất giống cái “tỉnh tình tinh” thật.

Vượt qua làng Rùa, nơi có ngôi đình thờ thánh Tản Viên với cây đa thần nghìn năm tuổi, 9 chùm rễ tạo hình ông thần rùa thật kỳ bí. Chúng tôi gửi xe chỗ cụ già có mái tóc bạc trắng như cước, bán nước chè xanh dưới chân núi và bắt đầu theo con đường nhỏ bồng bềnh trong nguồn suối mây dẫn lối. Con đường dốc nghiêng nghiêng, khúc khuỷu, càng lên càng cao, đưa chúng tôi vào một không gian kỳ ảo của mây, gió, tiếng suối trong và tiếng chim rừng. Ngước nhìn lên đỉnh núi Ba Vì đã thấy “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi”, tạo nên những hình tượng chuyển động như trong mơ.

Đặt chân lên đỉnh núi Tản Viên, ấn tượng kỳ lạ đập vào mắt chúng tôi là những khối mây chuyển đổi gây bất ngờ theo từng phút. Chỉ cần quan sát khoảng một tiếng đồng hồ, sẽ thấy những khối mây trắng chuyển động, khi nhanh, khi chậm. Có lúc mây đùn lên cao, lúc lại hạ xuống thấp. Lại có lúc bất ngờ, mây như ngủ quên trên đỉnh núi. Chợt nhớ đến một khúc dân ca của người Dao và người Mường cổ một thời trên đỉnh núi: “Tình ta là tình cái ngẩn ngơ/ Dạ tương tư suốt đêm chờ trăng tan/ Tình ta là tình cái đập tràn/ Yêu như thác đổ gào than nỗi đờ,/ Tình ta là tình cái trống vui/ Vỗ nhanh trong nhịp ngậm ngùi nhớ nhung”. Những điệu múa và tiếng cồng chiêng Mồ Đồi rạo rực suối mây một thuở hoang sơ. 

Tranh thủ chút nắng quá giờ Ngọ, chúng tôi chĩa máy ảnh vào thung mây, bấm lia lịa chân dung Ba Vì đẫm chất huyền thoại. Và khi những đám mây trôi qua xã Vân Hòa, rơi xuống các nẻo đường thôn bản, Ba Vì lại thêm thương nhớ khi khúc hát “Ba Vì mờ cao” của thi sĩ Quang Dũng lại bâng khuâng với giọng hát liêu trai của cố NSND Lê Dung ám ảnh lòng người “Nhớ nhung Ba Vì ơi/ Ba Vì mờ cao/ Làn sương chiều xa buông gió về/ Hương núi thơm dâng hồn về đâu”.

Màn đêm núi rừng Ba Vì ập xuống rất nhanh. “Hội đuốc hoa” được tổ chức ngay ở đình Làng Rùa cổ kính. Chủ khách háo hức chếnh choáng hơi men rượu cần, nắm tay nhau cuốn hút bởi điệu múa sạp. Trẻ già nhảy theo tiết tấu rộn rã. Tiếng cười, tiếng hò reo hồn nhiên của mọi người xua đi cảnh lạnh lẽo của núi rừng. Ai cũng trở thành bạn nhảy của nhau. Chân theo chân, tay cầm tay ngỡ như cùng nhảy qua mọi rào cản của cuộc đời để đến với nhau…