Cầu vượt dành cho người đi bộ tại Hà Nội:

Ngán ngẩm xem cảnh "nhanh một giây, chậm cả đời"

ANTĐ - Nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ ở Hà Nội đang lâm vào cảnh bị “bỏ hoang” bởi tâm lý “tiếc rẻ” vài giây đi đường vòng của người dân.

Một cây cầu vượt dành cho người đi bộ vắng bóng người 

Đoạn đường Văn Điển – Ngọc Hồi (Hà Nội) thường có rất nhiều phương tiện vận tải lớn đi qua, lại gần với khu dân sinh nên luôn tồn tại nhiều nguy hiểm cho người đi bộ mỗi khi sang đường. Cầu vượt dành cho người đi bộ được xây dựng trên đoạn đường này nhằm mục đích đảm bảo an toàn và giảm sức ép giao thông cho đường chính bên dưới.

Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các cây cầu vượt dành cho người đi bộ trên đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi đều bị người dân quanh đó "bỏ quên". Người sang đường ở đây cho rằng, chỉ cần quan sát cẩn thận là băng qua được, sẽ nhanh hơn nhiều và đỡ nhọc khi phải leo lên cầu rồi mới sang được đường. Những pa-nô: “Nhanh một giây, chậm cả đời” treo đầy trên đoạn đường này vì thế mà gần như không có tác dụng.
 

Người đi bộ bỏ qua cầu vượt, thản nhiên băng qua đường mặc rủi ro 

Tình trạng người đi bộ không dùng cầu vượt, hay trèo rào chắn, nhảy qua dải phân cách để sang đường cũng là nguyên nhân gây ra va chạm, tai nạn giao thông khiến nhiều chủ phương tiện xe máy, ô tô phải chịu vạ.

Không chỉ người dân, thậm chí nhiều người có nhận thức vẫn cố tình vi phạm. Hoàng Mạnh Hùng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng Kinh Tế Công Nghiệp Hà Nội thản nhiên: “Em rất ít khi đi trên cầu vượt vì thấy mất công lắm, băng qua đường cho nhanh chỉ cần mình chú ý một chút là an toàn, hầu hết em thấy mọi người đều không đi trên cầu và mình cũng làm theo”.

Xe tải hạng nặng và người đi bộ xen lẫn- cảnh giao thông chắc chỉ có ở Việt Nam

Cùng với đó không ít cây cầu vượt dành cho người đi bộ tại Thủ đô đang xuống cấp nhanh và rất mất vệ sinh. Tình trạng bậc thang lên xuống bị vỡ, hỏng, rác thải, túi nilông, thậm chí là cả kim tiêm chích vương vãi trên cầu vượt bộ khiến người dân không tránh khỏi cảm giác “ngán ngẩm” mỗi khi lên cầu. Cầu vượt bỏ không, trở thành nơi tụ tập của dân nghiện hút, vô gia cư về đêm, hai bên chân cầu cũng bị lấn chiếm thành nơi bán nước và nơi tụ tập của cánh xe ôm. 
Anh Nguyễn Thành Chung  lái xe ôm đỗ dưới chân cầu vượt đoạn Văn Điển cho biết: “Hàng ngày tôi thấy ít người đi trên cầu lắm, họ dàn hàng hai, hàng ba đi bộ qua đường mặc cho xe cộ đi lại rất đông rất nguy hiểm!”. 
Để các cây cầu vượt dành cho người đi bộ tại Thủ đô được sử dụng đúng cách và đảm bảo an toàn giao thông thì ngoài ý thức của chính người dân, cũng cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý, không thể chỉ xây xong cầu rồi bỏ mặc, không giải quyết những vấn đề phát sinh như nêu trên.