Ngăn ly hôn giả để đầu cơ mua nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, chính quyền Thượng Hải (thành phố lớn nhất Trung Quốc, nơi giá nhà gần đây lập kỷ lục) đã phải đưa ra một chính sách mới nhằm hạn chế các vụ ly hôn giả để kiếm tiền trên thị trường bất động sản.

Theo một chỉ thị do chính quyền Thượng Hải ban hành, từ ngày 2-1-2021, người có ý định mua nhà mà mới ly hôn dưới 3 năm sẽ bị giám sát. Thực tế là người mới ly hôn sẽ không được phân bổ hạn ngạch mua nhà và không được hưởng lợi từ lãi suất thế chấp ưu đãi dành cho người mua lần đầu. Trái ngược với trước đây, một khi ai đó ly hôn, hồ sơ sở hữu nhà và thế chấp từ cuộc hôn nhân trước của họ sẽ bị xóa. Nhiều cặp vợ chồng đã lợi dụng quy định này và sử dụng cách ly hôn giả để có thể mua thêm một căn nhà.

Sở hữu được một căn hộ luôn là mơ ước của nhiều cặp vợ chồng ở thị trường bất động sản đắt đỏ như Thượng Hải

Sở hữu được một căn hộ luôn là mơ ước của nhiều cặp vợ chồng ở thị trường bất động sản đắt đỏ như Thượng Hải

“Lách luật” bằng ly hôn giả

Như câu nói của người Trung Quốc: “Trước mọi áp lực từ bên trên, sẽ luôn có biện pháp đối phó từ bên dưới”. Điều đó có thể giải thích tại sao trong nhiều năm, bất chấp nỗ lực hết sức của chính quyền địa phương để hạ nhiệt thị trường bất động sản đang quá nóng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, người dân vẫn tìm ra cách “lách luật”.

Một ví dụ điển hình là các lệnh hành chính giới hạn số lượng nhà mà mỗi gia đình có thể sở hữu, tùy theo từng thành phố. Ví dụ, người có hộ khẩu thường trú Thượng Hải có thể mua nhiều nhất 2 bất động sản. Nhưng bất kể hạn ngạch là bao nhiêu, vẫn có một lỗ hổng. Đó là người chưa có tài sản nào khi mua nhà lần đầu có thể được hưởng các chính sách ưu đãi như trả trước ít hơn, lãi suất thấp hơn. Vì thế nhiều cặp vợ chồng đã ly hôn để đủ điều kiện mua nhà mới, sau đó lại tái hôn.

Trong 2 thập kỷ qua, quyền sở hữu nhà đã trở thành khoản đầu tư quan trọng nhất đối với các gia đình và thủ thuật này đã khiến giá nhà ở Trung Quốc tăng vọt. Ở Bắc Kinh, nhiều cặp kết hôn và ly hôn liên tục chỉ để lấy biển số xe, vì chính phủ có giới hạn nghiêm ngặt về số lượng biển số nhằm giảm thiểu khói bụi và tắc nghẽn ở Thủ đô. Người lái xe cần biển số sẽ kết hôn với người đang sở hữu biển số, sau đó sang tên cho họ và xong việc thì… ly hôn. Cảnh sát địa phương đã vào cuộc trấn áp hành vi trái phép này khiến trong tháng 11-2020 có tới 166 người đã bị bắt giữ vì tội danh nói trên.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, kết hôn giả đã trở thành một phương cách phổ biến nhằm lách luật. Người ta cũng kết hôn giả vì các cặp vợ chồng được đền bù nhiều hơn so với chủ sở hữu duy nhất nếu tòa nhà họ ở phải giải phóng mặt bằng. Năm ngoái, cảnh sát tỉnh Chiết Giang (miền Đông Trung Quốc) đã bắt giữ 11 thành viên trong một đại gia đình. Những người này đã kết hôn và ly hôn với nhau 23 lần trong 2 tuần để kiếm tiền bồi thường khi làng của họ phải phá dỡ phục vụ một dự án đô thị.

Theo quy định, mỗi thành viên trong hộ gia đình sẽ được hưởng 40m2 ở khu đô thị mới. Điển hình là ông Pan, một người sống trong ngôi nhà này tái hôn với vợ cũ, cả 2 thuộc diện hưởng bồi thường. Hai tuần sau, ông ta lại ly hôn vợ và kết hôn với chị dâu, tạo điều kiện cho bà này được hưởng bồi thường. Vụ việc này cũng dễ hiểu bởi giá nhà ở địa phương đã tăng tới 31% trong vòng 2 năm.

Hôn nhân không còn thiêng liêng

“Tạm thời ly hôn để tránh tỷ lệ thế chấp và đánh thuế cao là “luật bất thành văn” của thị trường bất động sản ở các thành phố có quy định hạn chế về mua bán bất động sản như Thượng Hải và Bắc Kinh” - Hui Jianqiang, Giám đốc nghiên cứu của nhà cung cấp thông tin bất động sản Beijing Zhongfangyanxie Technology Service, nói với Global Times.

Các chuyên gia cảnh báo, xã hội không còn coi những cuộc hôn nhân giả hay ly hôn giả là “nỗi hổ thẹn” và thậm chí đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Xia Xueluan - Giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Kinh nhận định: “Hôn nhân rất mong manh và đôi khi phải chọn lựa đối mặt với hiện thực. Trước đây hôn nhân là điều thiêng liêng và ly hôn là điều cuối cùng nên cân nhắc. Nhưng giờ đây, nó là trò chơi mạo hiểm. Những lý do ly hôn làm hỏng trật tự và quy tắc xã hội”.

Không có gì ngạc nhiên khi một số vụ ly hôn giả trở thành thật. Một cặp vợ chồng ở khu tự trị ở Ninh Hạ (Tây Bắc Trung Quốc) đã ly hôn để mua một căn nhà. Tuy nhiên, người phụ nữ đã từ chối tái hôn với chồng sau khi có được tài sản mới. Chính những chính sách liên quan đến nhà cửa này đã khiến hôn nhân trở nên thiên về vật chất.

Chỉ thị mới nhất của Thượng Hải, bao gồm một số biện pháp khác để ổn định thị trường bất động sản, phù hợp với nguyên tắc đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cách đây vài năm rằng “nhà là để mọi người ở, không phải để đầu cơ”.