Ngân hàng vẫn ngại cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn

ANTD.VN - Ngân hàng không thiếu vốn nhưng thiếu niềm tin với doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù tỷ lệ nợ xấu của khối doanh nghiệp này thấp hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Các ngân hàng vẫn ngại thay đổi để mở cửa cung cấp vốn cho DNNVV

Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng với khu vực kinh tế tư nhân đạt 4 triệu tỷ đồng; chiếm 66% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và liên tục tăng. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 22% tổng dư nợ và tăng 6,5% so với cuối năm 2016. 

Dẫn số liệu này, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng của khu vực kinh tế tư nhân, DNNVV. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, vẫn có tới 70% doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng. 

Ngân hàng thiếu niềm tin

Lý giải về việc này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết có thể có 3 lý do. Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp đó có thể có vốn tự có, hơn nữa quy mô hoạt động nhỏ, chưa có chiến lược hoạt động dài hạn và đã tự thoả mãn với nguồn vốn của chính mình. Thứ hai, rất có thể lãi vay tuy đã hạ rồi nhưng vẫn cao khiến doanh nghiệp ngại không muốn tiếp cận. Còn lại là nhóm không đủ điều kiện thế chấp, không trình bày được dự án tốt, không tạo được lòng tin cho ngân hàng…

Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn ngân hàng là một vướng mắc quan trọng, dai dẳng. Ngân hàng không thiếu vốn nhưng thiếu niềm tin với doanh nghiệp. Có điều, tỷ lệ nợ xấu của các DNNVV lại thấp hơn các loại hình doanh nghiệp khác. 

“Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách rành mạch, phương án kinh doanh để vay vốn sức thuyết phục không cao... Thứ hai, doanh nghiệp gặp cản trở về báo cáo tài chính. Một số dự án vốn đối ứng thấp, giá trị tài sản thế chấp cũng thường thấp và có độ rủi ro cao...” - ông Nam phân tích.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, các ngân hàng dường như đang hướng đến việc thay đổi của các doanh nghiệp chứ bản thân cũng không thay đổi nhiều. “Chúng tôi cảm giác ngân hàng quá thận trọng. Khung pháp lý cho việc vay tín chấp đã có rồi nhưng các ngân hàng còn e sợ hình sự hóa” - vị đại diện doanh nghiệp nói.

Ngoài ra, theo ông Tô Hoài Nam có một thực tế hiện nay là các ngân hàng thương mại thích cho doanh nghiệp lớn vay hơn. “Trình tự cũng như vậy nhưng cho 1 doanh nghiệp vay 1.000 tỷ đồng sẽ thích hơn cũng số tiền đó nhưng cho 100 doanh nghiệp vay”.

Cần mở lối cho vay tín chấp

Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp khi thiếu vốn thì sẽ không thể lớn lên được, không thể có vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật, để tăng sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp mãi bị nhỏ, lép vế và bị thu hẹp thị phần ở ngay trên sân nhà của mình. 

Ông Tô Hoài Nam cho rằng, để tháo gỡ vấn đề này, các ngân hàng cần phải thay đổi triệt để tư duy, đừng nhìn doanh nghiệp chỉ là chỗ rủi ro mà phải nhìn vào tiềm năng của họ. “Ngân hàng nên lọc ra, trong 70% doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn đó, lấy khoảng 10% để cung cấp vốn, vì anh cho doanh nghiệp vay, anh được phần lãi thì anh cũng phải chấp nhận một phần rủi ro. Muốn doanh nghiệp đạt chuẩn của mình thì ngân hàng cũng cần có động thái tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Nam chia sẻ.

Ngoài ra, DNNVV cần nhất hiện nay là mở lối ra để vay tín chấp và được tiếp cận một cách nhiều hơn với vốn trung và dài hạn. Cần tăng cường tiếp cận theo hướng tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay. Hiện nay, khung pháp lý cho vay tín chấp đã có, ngân hàng không phải gây khó cho doanh nghiệp mà vấn đề chính là họ e ngại, không muốn đột phá.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Trần Văn Tần cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự cố gắng nâng cao khả năng tài chính, các thông tin phải minh bạch…