Ngân hàng vẫn "bình chân", dù ôm nhiều trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng là “trái chủ” lớn nhất đối với trái phiếu doanh nghiệp, dù vậy, lãnh đạo các nhà băng đều khẳng định đây là những khoản đầu tư an toàn.

Ngân hàng không lo lắng về trái phiếu doanh nghiệp

Theo báo cáo tài chính được công bố, tại thời điểm cuối quý I/2022, Techcombank đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống ngân hàng với tổng giá trị là 76.582 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cuối năm 2021. Tiếp đến là MB với 46.319 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm ngoái; VPBank là 41.593 tỷ đồng, tăng 50%...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021, 41 ngân hàng trong toàn hệ thống đang nắm giữ 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng. So với quy mô thị trường trái phiếu cùng thời điểm (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng) thì các ngân hàng đang nắm giữ khoảng gần 23% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành.

Theo khảo sát, lượng trái phiếu này tập trung chủ yếu ở các ngân hàng như: Techcombank, MB, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, ABBank, SeABank, SHB. Tại một số ngân hàng, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ đã vượt 10% tổng tài sản.

Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, nhiều cổ đông bày tỏ lo ngại về vấn đề này, nhất là sau sự việc “bom” trái phiếu Tân Hoàng Minh. Dù vậy, lãnh đạo các ngân hàng đều tỏ ra khá lạc quan với lượng trái phiếu nắm giữ.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng có động thái “làm sạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song một số vấn đề tiêu cực xảy ra vừa qua chỉ là thiểu số. Do đó, việc phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp mà Techcombank đã lựa chọn.

“Khi đầu tư vào vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay. Nhiều người có thể cho là khác biệt, nhưng với ngân hàng thì đó như khoản cho vay trung và dài hạn, và ngân hàng vẫn thẩm định những cấu phần như phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ” – lãnh đạo nhà băng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống ngân hàng nói.

Nhiều ngân hàng khẳng định trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ là an toàn

Nhiều ngân hàng khẳng định trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ là an toàn

Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho hay, tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay).

“Toàn bộ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn trung và dài hạn với khối lượng lớn, chi phí hợp lý, cơ cấu linh hoạt. Do đó, Vietcombank luôn chủ động, tích cực tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò đa dạng như nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán...

Tương tự, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB cũng cho biết, tính đến cuối năm 2021, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng này là 6.600 tỷ, trong đó trái phiếu bất động sản là 4.100 tỷ và về pháp lý đều tốt, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan quản lý đã kiểm soát rất chặt chẽ việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua nhiều quy định.

Cụ thể, hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng; tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;

Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất.

Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành hoặc có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động...

Theo Thống đốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).

Do đó, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn.