Ngân hàng và gánh nặng nợ xấu từ những “siêu doanh nghiệp”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù vẫn “ăn nên làm ra” bất chấp dịch bệnh Covid-19 nhưng phía sau những con số lợi nhuận khủng, dễ dàng nhận thấy chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang bị suy giảm, khi nợ xấu có xu hướng tăng, lãi dự thu theo đó cũng tăng mạnh, khiến kết quả kinh doanh chưa phản ánh thực chất “sức khỏe” các nhà băng.

Nợ xấu tăng, lãi dự thu lớn

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, năm 2020, hơn 70% ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng. Bước sang quý I/2021, nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng vẫn không ngừng lớn thêm.

Đơn cử như Ngân hàng ACB với nợ xấu tăng 60,5% lên 2.954 tỷ đồng, Vietcombank tăng 47,2% lên 7.697 tỷ đồng, MB tăng 28,8% lên 4.185 tỷ đồng… Tương tự, HDBank cũng ghi nhận nợ xấu tăng 20,3%, NamABank tăng 19,2%, PGBank tăng 10,6%...

Tính chung trong quý I, tổng dư nợ xấu của 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là hơn 93.200 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Chỉ một số ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm bao gồm: VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank…

Đáng nói, những con số nợ xấu nêu trên tại các ngân hàng chưa bao gồm các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo thống kê đến đầu tháng 4/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa những khoản nợ này không bị chuyển xuống nhóm nợ xấu theo như quy định.

Trong báo cáo vừa đưa ra, Phòng nghiên cứu Global Research của HSBC cũng nhận định, đã đến lúc cần đánh giá lại sức khoẻ của ngành ngân hàng Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu của HSBC cho rằng rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang gia tăng. Tính cả các “khoản cho vay bị suy giảm giá trị”, nợ xấu ước tính tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm một số nội dung trong hoạt động nhằm hạn chế rủi ro.

Trong đó, NHNN cho biết, qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của năm 2020, NHNN nhận thấy nợ xấu nội bảng các ngân hàng có xu hướng tăng.

Trong đó, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019.

Nợ xấu ở nhóm khách hàng lớn đang cao hơn mặt bằng chung (Ảnh minh họa)

Nợ xấu ở nhóm khách hàng lớn đang cao hơn mặt bằng chung (Ảnh minh họa)

NHNN cũng cảnh báo lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng đáng kể, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh của TCTD. Một số TCTD chưa quyết liệt trong công tác thu hồi tối đa nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng.

Trên thực tế, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai, tức là chưa thu được tiền thật nhưng vẫn ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh.

Theo khảo sát, lãi dự thu năm 2020 và quý đầu năm 2021 của nhiều ngân hàng đã tăng khá mạnh như tại Vietcombank, VIB, TPBank, LienVietPostBank, SCB, SeABank… với lãi dự thu tăng từ 17 – 40%; thậm chí có những ngân hàng lãi dự thu tăng gấp đôi trong năm 2020 như NamABank.

Việc lãi dự thu tăng cùng với những khoản dự thu được “treo” trong thời gian dài khiến con số lợi nhuận thực chất tại các ngân hàng là điều sẽ cần phải phân tích thêm.

Gánh nặng nợ từ những khách hàng lớn

Đáng nói, thống kê mới nhất của NHNN cũng cho thấy, hiện nay tỷ lệ nợ xấu ở những khách hàng có khoản vay lớn đang cao hơn so với mặt bằng chung.

Cụ thể, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong tổng số gần 9,5 triệu tỷ đồng dư nợ toàn hệ thống thì dư nợ tín dụng của các TCTD cấp cho các doanh nghiệp có dư nợ cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên là trên 3,2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của nhóm doanh nghiệp này là 1,65%, tương đương 52.990 tỷ đồng.

Đáng quan ngại hơn là đối với các doanh nghiệp được các TCTD cấp tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên (hiện có tất cả là 68 doanh nghiệp) thì nợ xấu của nhóm này đến thời điểm cuối 2020 là lên tới 19.996 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 2,42%.

Dù chưa có con số phân tích cụ thể các khoản “siêu tín dụng” này thuộc những đối tượng khách hàng nào nhưng thực tế dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp bất động sản đang là những khách hàng lớn nhất của ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN mới đây cũng đã chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn khi tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Do đó, cơ quan này yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn trong lĩnh vực bất động sản; các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

NHNN cũng yêu cầu, các TCTD tích cực xử lý nợ xấu hạn chế tối đa tổn thất cho TCTD, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cổ đông.

Về lãi dự thu, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của TCTD…