Ngân hàng trước bài toán khó

(ANTĐ) - Theo yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% tổng dư nợ cho vay với hạn chót là ngày 30-6. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng khó có thể thực hiện đúng theo thời hạn vì đơn cử như các khoản vay bất động sản đều là các khoản vay trung và dài hạn…

Giảm tín dụng phi sản xuất:

Ngân hàng trước bài toán khó

(ANTĐ) - Theo yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% tổng dư nợ cho vay với hạn chót là ngày 30-6. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng khó có thể thực hiện đúng theo thời hạn vì đơn cử như các khoản vay bất động sản đều là các khoản vay trung và dài hạn…

Thị trường bất động sản ảm đạm khiến các ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi vốn
Thị trường bất động sản ảm đạm khiến các ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi vốn

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện nay một số ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất mà chủ yếu là cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng về mức 22% vào cuối tháng 6 này theo quy định. Vẫn còn 20 ngân hàng TMCP trong nước đang có dư nợ phi sản xuất cao hơn 22%, cá biệt có 2 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất là 50% và 52%.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, sẽ không có chuyện lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tín dụng phi sản xuất 22% trên tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 6 này. Quy định giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất được NHNN ban hành từ đầu tháng 3, nên các ngân hàng có đủ thời gian để giảm dần dư nợ tín dụng phi sản xuất của mình vào cuối tháng 6. NHNN sẽ có chế tài xử lý với tất cả các ngân hàng không tuân thủ quy định đúng thời hạn trên.

Về phía các ngân hàng, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất cũng đang trong giai đoạn nước rút. Khó khăn nhất là việc giảm tỷ lệ tín dụng đối với các khoản vay bất động sản. “Thu hồi các khoản vay như chứng khoán, tiêu dùng… không phải là vấn đề quá khó vì đây là các khoản vay ngắn hạn, tài sản thế chấp là các loại hàng hóa mà ngân hàng có thể nhanh chóng phát mãi để thu hồi vốn. Tuy nhiên, với các khoản vay đầu tư bất động sản khiến ngân hàng phải tính toán vì phần lớn các khoản vay này là các khoản vay trung và dài hạn hàng chục năm, ngắn thì cũng phải 2-3 năm”, đại diện một ngân hàng TMCP than thở.

Thông thường, với tín dụng bất động sản, khách hàng thường phải trả cả gốc và lãi hàng tháng. Thế nhưng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản ảm đạm, các căn hộ chung cư bán giá gốc cũng không mấy thu hút được người mua thì việc thu hồi nợ từ phía khách hàng khiến các ngân hàng “mất ăn, mất ngủ”. Một số ngân hàng cho rằng, nếu quy định mỗi ngân hàng phải đưa tín dụng phi sản xuất về các tỷ lệ khác nhau tùy vào quy mô vốn cũng như tình hình tăng trưởng dư nợ chung của các ngân hàng sẽ hợp lý hơn.

NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã được quán triệt về việc tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hạn chế cho vay tiêu dùng, hạn chế hoặc tạm dừng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất, nhưng các ngân hàng cũng đang nỗ lực để đáp ứng yêu cầu từ phía NHNN. Hiện nay, 12 ngân hàng TMCP có trụ sở chính trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu là đến 30-6 tỷ lệ này sẽ không vượt quá 22% và đến 31-12 sẽ không vượt quá 16%.

Nhiều ngân hàng còn đưa ra mục tiêu điều chỉnh tỷ lệ tín dụng phi sản xuất xuống thấp hơn mức mà NHNN yêu cầu. Đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP Hàng hải (MaritimeBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội đã đặt kế hoạch đưa tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống dưới mức NHNN yêu cầu. Các ngân hàng còn lại cũng cam kết đảm bảo mức tăng trưởng theo đúng quy định.

Hùng Anh