Ngân hàng trong nước không mặn mà với dự án BOT

ANTD.VN -  Tại phiên thảo luận tổ vào chiều nay 8-11, đa số ĐBQH Đoàn TP Hà Nội không khỏi băn khoăn về vấn đề huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

ĐB Nguyễn Văn Thắng Đoàn Hà Nội

Theo ĐB Trần Việt Khoa, ngân sách đầu tư chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi đó đường thuỷ chưa biết tận dụng lợi thế khai thác, đường sắt đầu tư không tương xứng. Đối với dự án này thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020, khi thực hiện với số tiền 117.716 tỷ đồng chúng ta cần làm rõ nguồn vốn đầu tư không thì rất khó khăn.

Mặt khác, chúng ta thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức chia ra thành 8 dự án, khi đó nhà thầu bị chia nhỏ. Nếu như không làm tốt, không kiểm soát và không chỉ đạo tốt được việc này thì rất dễ dẫn đến tiêu cực.

Bên cạnh đó, đất nước đang phát triển nhưng phương tiện giao thông ngày càng tăng lên. Khi thiết kế, xây dựng dự án không tính đến sự phát triển của một vài chục năm nữa, hệ thống giao thông lại trở nên quá tải.

Cùng với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đối với việc huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án này là rất khó khăn. Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, dư luận hết sức quan tâm đến sự minh bạch của các dự án BOT.

Về nguyên tắc, một dự án BOT để đảm bảo có hiệu quả về mặt xã hội và nhà đầu tư cần đòi hỏi sự công khai, minh bạch. Như đấu giá, đấu thầu cần có sự cạnh tranh và có tối thiểu từ hai đơn vị tham gia nhưng một số dự án lại chỉ định thầu. Do vậy vẫn chưa thể hiện được tính minh bạch.

“Đối với các dự án BOT, khi thực hiện có một số nguồn lực từ nước ngoài (có hai dạng: nhà đầu tư nước ngoài và huy động từ các tổ chức tín dụng nước ngoài); nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nếu huy động từ nguồn vốn nước ngoài phải có sự bảo lãnh của Chính phủ nhưng hiện nay Quốc hội đã phê chuẩn Chính phủ không bảo lãnh để vay vốn của nước ngoài. Như vậy rất khó để huy động vốn đâu tư nước ngoài. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài nếu đầu tư vào đòi hỏi rất nhiều cơ chế, sự ưu đãi…”, ĐB Nguyễn Văn Thắng phân tích.

Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Thắng, có 4/8 dự án này có số vốn đầu tư rất lớn lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, một nhà đầu tư không thể thực hiện được mà phải cần nhiều nhà đầu tư góp vốn. Mà góp vào thì cũng chỉ được 15% theo quy định hiện nay. Nên nguồn vốn huy động chắc chắn phải được huy động từ các ngân hàng trong nước.

“Tuy nhiên, như những gì diễn ra trong thời gian vừa qua, theo đánh giá của các ngân hàng thì việc đầu tư vào dự án BOT là không hiệu quả. Tất cả các ngân hàng rất hạn chế đầu tư vào các dự án BOT. Do vậy tôi nghĩ rằng cần phải có những phương án để chúng ta lấp vào”, ĐB Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Còn theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, nguồn lực quyết định tổng số km đường, xem dự án nào cần thực hiện trước. Trong khi chúng ta đang tính dự trù khoảng hơn 60 nghìn tỉ sẽ phải huy động, mà nguồn huy động thì cả quốc tế lẫn trong nước cũng đều rất khó khăn, nên quy mô chung ta nên tính toán để đảm bảo phù hợp.

Dự án này theo lộ trình thực hiện trong 3 năm, ban đầu ta nên chọn một số dự án vừa tầm để đánh giá xem thành công đến đâu. Cái này phải tính toán rất cẩn thận để làm sao đạt hiệu quả.