Ngân hàng sữa mẹ "nở rộ" ở Nam Phi

ANTĐ - Tại Nam Phi cứ 20 phút lại có một trẻ sinh thiếu tháng tử vong và việc nuôi trẻ bằng sữa ngoài là rất phổ biến thì mô hình ngân hàng sữa mẹ đang tạo ra sự thay đổi trong nhận thức nuôi con của nhiều phụ nữ, cũng như cứu giúp những trẻ sơ sinh đói sữa trong các gia đình nghèo. 

Ngân hàng sữa mẹ "nở rộ" ở Nam Phi ảnh 1Sữa mẹ được hiến tặng cho trẻ bị bỏ rơi hoặc người mẹ của trẻ đó không có sữa

Sống sót nhờ sữa hiến tặng

Khi Patrick McLeod bị sinh non hồi tháng 5-2015, cậu bé chỉ nặng 1,2kg, cao 37cm, tính mạng McLeod bị cái đói đe dọa vì gia đình quá nghèo. “Đó là một điều đáng sợ bởi nó còn quá nhỏ để đối mặt” - mẹ của cậu bé này, Annerleigh Bartlett cho biết do trải qua một cuộc cấp cứu, mổ lấy thai nhi vào tuần thai thứ 28 nên cô bị mất sữa - nguồn sống duy nhất khi hệ thống tiêu hóa của McLeod chưa phát triển hoàn thiện. 

May mắn, McLeod đã không chết đói vì mẹ bị mất sữa, cậu được uống sữa do một bà mẹ khác quyên tặng cho tổ chức Milk Matters, có trụ sở ở Thủ đô Cape Town của Cộng hòa Nam Phi. McLeod được nhận sữa liên tục cho đến khi mẹ cậu có sữa. Hiện nay, McLeod đã được 8 tháng tuổi, cậu bé mạnh khỏe hơn dù trước đó nằm trong diện chăm sóc đặc biệt vì bị đẻ thiếu tháng. 

Các ngân hàng sữa mẹ - dưỡng chất tuyệt vời để xây dựng hệ thống miễn dịch cho trẻ - đang xuất hiện nhiều ở Nam Phi, mô hình được phát triển nhằm thay đổi tỷ lệ cho con bú thấp ở đất nước này, nơi sữa bột được sử dụng phổ biến và cứ 20 phút lại có một bé sinh non tử vong. Chính phủ Nam Phi đang giới thiệu ngân hàng đặc biệt này tới các bệnh viện công với hy vọng tạo ra một sự thay đổi trong tư duy nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện chỉ có 8% phụ nữ Nam Phi nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Ngân hàng sữa mẹ "nở rộ" ở Nam Phi ảnh 2Bà Stasha Jordan tại Quỹ dự trữ sữa mẹ Nam Phi

Quy trình làm sạch nghiêm ngặt

Thực tế, ngân hàng sữa mẹ từng được mở ra tại các bệnh viện ở Nam Phi trước năm 1980. Nhưng đại dịch HIV/AIDS đã đặt dấu chấm hết cho mô hình này khi những bà mẹ nhiễm HIV được cảnh báo có thể lây truyền virus cho con cái. Thay vào đó, một giai đoạn, chính phủ từng cung cấp sữa bột miễn phí. 

Tuy nhiên, hiện nay, nhờ phương pháp tiệt trùng mới, các ngân hàng sữa mẹ có thể an toàn mở lại ở Nam Phi. 15 năm trước tại thành phố Durban, Anna Coutsoudis đã lập ra ngân hàng sữa mẹ dựa vào cộng đồng ở Nam Phi với sự tài trợ từ tổ chức Unicef. Theo bà Coutsoudis, hiện Nam Phi có khoảng 2.000-3.000 người hiến tặng sữa, với đối tượng thụ hưởng là trẻ bị bỏ rơi, mồ côi hoặc mẹ của trẻ đó quá yếu để có sữa.

 Nguồn sữa hiến tặng không được lấy từ phụ nữ nhiễm HIV. Những bà mẹ hảo tâm phải kiểm tra sức khỏe trước khi vắt sữa của họ vào lọ vô trùng. Sau đó, sữa trong lọ được tiếp tục tiệt trùng, làm lạnh và phân phối. Hiện, khắp Nam Phi đã có 44 ngân hàng sữa, được Quỹ Dự trữ sữa mẹ Nam Phi (SABR) ở thành phố Johannesburg quản lý với phương châm “Mỗi giọt sữa đều quý giá”. Trong năm 2015, những ngân hàng đặc biệt này đã nuôi dưỡng hơn 2.800 trẻ.

Quay trở lại câu chuyện của cậu bé Patrick McLeod, hiểu được ý nghĩa của sữa mẹ, mẹ của McLeod - Annerleigh Bartlett đã tham gia tổ chức Milk Matters, cô tặng 3 lít sữa đủ cho 20 em bé ăn trong vòng 24 giờ. “Đây là điều nhỏ nhất tôi có thể làm. Nếu không có những tổ chức như Milk Matters, chúng tôi đã không có Patrick McLeod khỏe mạnh như hôm nay” - Bartlett cho biết.

Dù “sữa mẹ là tốt nhất”, nhưng bà Stasha Jordan, người sáng lập SABR vẫn cảnh báo rằng, thông điệp này còn một chặng đường dài để có thể “ngấm” vào nhận thức của nhiều bà mẹ đang chuộng nuôi con bằng sữa ngoài tại Nam Phi.