Gói hỗ trợ mua nhà giá rẻ:

Ngân hàng quá chắc, người dân khó vay

ANTĐ - Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, đến trung tuần tháng 7-2013, trên toàn quốc mới có 2 doanh nghiệp và 56 cá nhân được vay tiền, với số vốn đã giải ngân 44 tỷ đồng. Con số này là quá thấp so với kỳ vọng của người dân về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở.

Hà Nội còn quá ít dự án nhà có giá dưới 15 triệu đồng/m2

Gần 2 tháng, giải ngân 44 tỷ đồng

Có hiệu lực từ 1-6, đến nay, đã qua gần 2 tháng nhưng số tiền giải ngân thực tế của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng vẫn còn hết sức khiêm tốn. Tổng hợp mới nhất từ Bộ Xây dựng cho biết, đối với tổ chức, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với... 2 doanh nghiệp (Công ty CP Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền hơn 117,7 tỷ đồng và Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh với số tiền 540 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, ngân hàng mới giải ngân cho Công ty CP Vicoland số tiền 34 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng. Như vậy, sau gần 2 tháng triển khai, tổng vốn giải ngân mới được gần 44 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với nhu cầu khổng lồ của thị trường bất động sản.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện nay, các ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay (riêng Ngân hàng thương mại CP Công Thương Việt Nam - Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, Ngân hàng thương mại CP đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ). Bộ Xây dựng cho biết, các ngân hàng này đang tích cực triển khai việc thẩm định để cho vay theo quy định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này song một số chuyên gia phân tích, chỉ có một số ít chủ đầu tư và người mua có thể tiếp cận với nguồn vốn này do thủ tục rất phức tạp. Không chỉ có vậy, xung quanh tiến độ giải ngân chậm của gói 30.000 tỷ đồng, hiện nay, có ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư được vay vốn phần lớn đều là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng ở phía Bắc. Trong khi đó, một số địa phương khác, trong đó có TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án nhưng không được vay vốn. Bác bỏ hoàn toàn thông tin này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói: “Ý kiến đánh giá này là không có cơ sở, không đúng với tình hình thực tế”. 

Chưa phát hiện sai phạm

Theo ông Nguyễn Trần Nam, trong số 30 dự án mà Bộ Xây dựng đề xuất xem xét để cho vay tại văn bản số 1042/BXD-QLN, chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp Nhà nước (chiếm 13%), 4 doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%). Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 5 dự án, Đà Nẵng 6 dự án, Hà Nội 4 dự án, tỉnh Đồng Nai có 3 dự án, các địa phương còn lại (Thừa Thiên- Huế, Kiên Giang...) chỉ có 1 dự án. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, tiêu chí xác định doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước không hề có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp khác thuộc các thành phần kinh tế, cũng như không có sự phân biệt khác nhau giữa các địa phương theo vùng miền.

Bộ Xây dựng cũng phản bác thông tin “khi triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng, chỉ tập trung ưu tiên đối với các doanh nghiệp mà ít quan tâm tới nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, cá nhân”. Bộ Xây dựng cho biết, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã ký với chủ đầu tư sau ngày 7-1-2013. 

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích: “Quy định này đòi hỏi chủ dự án phải có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, do trước đây, doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn, giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 hiện nay rất khan hiếm.” Do đó, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung để đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng. Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân đối với hộ gia đình, cá nhân mới có thể đẩy nhanh được.

Trấn an dư luận, Bộ Xây dựng cũng xác nhận, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật. Dù vậy, đại diện Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Thậm chí còn có ý kiến cho rằng phía ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong việc giải ngân”.