Ngân hàng Nhà nước mua Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng

ANTĐ - Ngày 25-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4 - 2015. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì phiên họp báo. Cùng dự có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và lãnh đạo một số Bộ, ngành.

Kinh tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực.   

Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra cùng ngày.

Ngân hàng Nhà nước mua Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều nay 25-4

Tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ nhất trí những đánh giá tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015, tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm. Lạm phát tháng 4 tăng 0,14%, 4 tháng tăng 0,04%.

Kinh tế tiếp tục phát triển tích cực ở tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng, 4 tháng tăng 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 10%. Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện đạt  4,2 tỷ USD, tăng 5%; vốn ODA giải ngân đạt hơn 550 triệu USD, tăng 11,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,84%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nổi lên một số hạn chế, khó khăn như nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình KTXH đạt kết quả tích cực, nhưng không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện khó khăn nào cần tập trung xử lý.

Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chủ quan dù đang được kiểm soát khá tốt. Phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.

Quy hoạch báo chí là vấn đề cá biệt và nhạy cảm

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2015 diễn ra vào chiều nay (25-4), trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao Đề án Quy hoạch báo chí, một chính sách rất quan trọng đối với các cơ quan báo chí cả nước, sắp được ban hành, nhưng chưa được công khai để lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động theo quy định của luật Ban hành văn ban quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, việc xây dựng dự thảo Quy hoạch báo chí là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thực hiện chức năng theo Luật Báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan, ảnh hưởng nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Sau 90 năm xây dựng, trưởng thành, báo chí nước ta không ngừng lớn mạnh, ít nước trên thế giới có nhiều cơ quan báo chí như nước ta, hơn 800 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình thì có hơn 300 kênh. Việt Nam là một trong những nước rất tự do báo chí, có đầy đủ các loại hình báo chí cũng như các bộ, ngành, địa phương từ trung ương đến địa phương đều có báo, đa dạng phong phú, chưa kể cả mạng xã hội là nguồn thông tin to lớn cho người dân.

Đồng thời, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn cũng khẳng định, trong quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch báo chí, Bộ đã làm đúng và kỹ lưỡng dưới dự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. "Đây là quy hoạch do Thủ tướng ban hành nhưng đã được lấy ý kiến Trung ương đến 3 lần, ít có trường hợp nào được làm cẩn trọng như vậy. Quy hoạch sẽ được ban hành trong tháng tới, và khi ban hành sẽ có kế hoạch quán triệt triển khai đầy đủ.

Một vấn đề khác được phóng viên quan tâm và đưa ra câu hỏi liên quan về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) giá 0 đồng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN đã có thông cáo báo chí về việc quyết định mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.

Sau khi NHNN mua Ocean Bank với giá 0 đồng và chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank. 

Bà Hồng cho biết, thời gian qua, OceanBank là ngân hàng yếu kém đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt cần tái cơ cấu. Vì quá trình hoạt động, có hiện tượng thất thoát vốn, khiến vốn thực có giảm thấp hơn vốn điều lệ. Tại Đại hội cổ đông, các cổ đông đã không nhất trí góp thêm vốn.

Do đó, NHNN đã mua Ocean Bank với giá 0 đồng trở thành chủ sở hữu ngân hàng này, qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.

Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank. NHNN khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Đại Dương sẽ được đảm bảo.