Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành: Chờ đợi giảm lãi suất cho vay

ANTD.VN - Các mức lãi suất điều hành sẽ giảm 0,25%, trong khi trần lãi suất cho vay tiền đồng với các lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm 0,5%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tích cực, song liệu lãi suất cho vay có giảm và bao giờ giảm còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành: Chờ đợi giảm lãi suất cho vay  ảnh 1Để hạ lãi suất cho vay cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ

Tín hiệu tích cực

Theo quy định mới của NHNN, từ ngày 10-7-2017, sẽ giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Như vậy, từ 10-7 tới đây, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống còn 7,25%/năm.

Cùng với đó, NHNN quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Cụ thể, nhu cầu vốn ngắn hạn phục vụ các lĩnh vực ưu tiên như  nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được giảm từ mức trần lãi suất 7%/năm xuống còn 6,5%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm.

Quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn lần này của NHNN được cho là đã tính toán thận trọng khi mức lãi suất điều hành cũ được giữ trong suốt hơn 3 năm trở lại đây. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, gánh nặng chi phí đầu vào, trong đó có chi phí vốn vay ngân hàng còn cao, thì động thái này được cho là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây mới chỉ là tín hiệu ban đầu.

Cần thêm nhiều giải pháp

Theo đại diện NHNN, mức giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành trước hết mang tính tín hiệu với thị trường, cũng như mức độ điều chỉnh phản ánh sự cân nhắc thận trọng, bởi năm 2016 và triển vọng 2017, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhưng kỳ vọng của lạm phát vẫn ở mức cao.

Trong lần điều chỉnh này, NHNN đã quyết định không điều chỉnh trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn nhằm không trực tiếp tác động đến lãi suất tiền gửi của các ngân hàng. Thêm nữa, mức độ giảm cùng các loại lãi suất điều hành gián tiếp trên cũng tránh trực tiếp co hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND để hạn chế những biến động liên quan của tỷ giá.

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất lần này sẽ mang lại niềm tin cho thị trường, còn tác động ra sao tới các chủ thể và toàn bộ nền kinh tế thì phải chờ độ trễ của chính sách. Động thái này cho thấy NHNN có những động thái quyết liệt hơn nhằm định hướng thị trường, thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất. 

Chuyên gia ngân hàng Bùi Quang Tín cho rằng, việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ gián tiếp tác động đến lãi suất huy động vốn trong dân cư, tạo cơ sở cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay thời gian tới. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu và có tương ứng với mức giảm của lãi suất điều hành hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác cũng như điều kiện của từng tổ chức tín dụng. 

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để lãi suất cho vay thông thường giảm, NHNN sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác như: kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, không quá nóng, tránh tăng cung tiền, gây áp lực lên lạm phát và tạo áp lực lên tỉ giá. Bên cạnh đó, cần xem xét nâng trần lãi suất huy động đối với USD lên 0,25%/năm thay vì 0%/ năm như hiện nay để giúp các tổ chức tín dụng huy động thêm được nguồn ngoại tệ…

Ngoài ra, việc NHNN quy định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn từ 50% xuống còn 40%, áp dụng từ đầu năm 2018 sẽ gây áp lực lên lãi suất huy động. Theo đó, các ngân hàng có thể phải tăng lãi suất đầu vào các kỳ hạn dài, gây khó khăn cho việc giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, NHNN nên cân nhắc về mức giảm này, hoặc nếu vẫn áp dụng thì nên lùi thời hạn để tránh áp lực cho các ngân hàng.