Ngân hàng Nhà nước đề nghị không truy thu thuế với thư tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc đặt vấn đề truy thu thuế với thư tín dụng trong giai đoạn 10 năm là không phù hợp, gây xáo trộn và phát sinh nhiều bất cập; đồng thời ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn phúc đáp công văn của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với thư tín dụng (L/C).

Theo đó, đối với đề nghị phân loại các khoản phí thu từ dịch vụ L/C và cơ sở pháp lý của việc phân loại, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, pháp luật trong giai đoạn 2011 đến nay và thông lệ quốc tế không có quy định về việc xác định cụ thể loại phí nào thu từ dịch vụ L/C là phí cấp tín dụng, loại phí nào là phí thanh toán qua tài khoản mà quy định theo hướng tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD.

Cụ thể: Điều 91 Luật các TCTD quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của TCTD: “1. TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phi cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của các TCTD; 2. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”.

Điều 17 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về phí cung ứng dịch vụ: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ấn định và phải niêm yết công khai các mức phí cung ứng dịch vụ”.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động L/C được các TCTD thực hiện theo thông lệ quốc tế (UCP 600). Theo đó, UCP 600 cũng không có quy định về việc phân loại các khoản phí từ dịch vụ L/C khoản nào thuộc phí cấp tín dụng, khoản nào thuộc phí thanh toán.

Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định tính chất cấp tín dụng của L/C cũng không có nội dung quy định cụ thể việc tính phí đối với L/C.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc truy thu thuế thư tín dụng là không phù hợp

Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc truy thu thuế thư tín dụng là không phù hợp

Về đề nghị của Bộ Tài chính liên quan đến cung cấp số liệu về các khoản phí L/C của TCTD đã thu từ khách hàng trong giai đoạn 2011-2020, NHNN cho biết đã yêu cầu các TCTD cung cấp số liệu và đã có kết quả thực hiện của 87 TCTD gửi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo NHNN, đây là số liệu báo cáo mang tính chất thống kê tổng hợp. Việc rà soát số liệu phục vụ việc quyết toán, tính thuế do cơ quan thuế làm việc, đối chiếu trực tiếp với từng TCTD.

Do đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng về việc: Trong giai đoạn 2011-2020, các TCTD đã thực hiện tính thuế GTGT đối với L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST là phù hợp với bản chất lưỡng tính của L/C.

NHNN cũng cho biết đã chủ động phối hợp với Ngân hàng HSBC tìm hiểu, khảo sát và thực tế cho thấy theo thông lệ quốc tế hiện nay thì phần lớn các nước đối xử với L/C như một dịch vụ tài chính, không phân biệt L/C là thanh toán hay cấp tín dụng và không áp thuế GTGT đối với L/C.

NHNN cho rằng việc đặt vấn đề truy thu thuế GTGT trong giai đoạn 10 năm là không phù hợp, gây xáo trộn và phát sinh nhiều bất cập; đồng thời ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Vì vậy, NHNN đề nghị Bộ Tài chính với chức năng quản lý về lĩnh vực thuế, tham mưu cấp thẩm quyền có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, không gây xáo trộn hoạt động kinh doanh của các TCTD, đặc biệt trong giai đoạn các TCTD đang chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Những vướng mắc về thuế với L/C phát sinh khi Tổng cục Thuế ban hành văn bản chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát hướng dẫn các TCTD trên địa bàn thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đối với nghiệp này.

Tổng cục Thuế nêu rõ: Từ thời điểm Luật TCTD 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định. Do đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.

Trước đó, Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C.

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng việc truy thu thuế với nghiệp vụ thư tín dụng không có nghĩa là các ngân hàng làm sai, mà do hướng dẫn Luật không thống nhất. Do đó, phía NHNN cần nghiên cứu sửa đổi các quy định không thống nhất trong Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn.