Ngân hàng Nhà nước: Chưa có sự đồng thuận của khách hàng, chưa tăng phí rút tiền ATM

ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có ý kiến với Hội Thẻ ngân hàng và các ngân hàng về việc tạm dừng tăng phí rút tiền tại ATM khi chưa có sự đồng thuận của khách hàng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong ngày 9/5, đã có ý kiến trao đổi với Hội thẻ và các Ngân hàng về việc ngân hàng cần có sự động thuận của khách hàng trong tăng phí, trong thời gian chưa có sự đồng thuận thì tạm dừng tăng.

Các ngân hàng đã tạm dừng tăng phí

Trước đó, 3 ngân hàng lớn bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng.

Cụ thể, phí rút tiền nội mạng tại các ATM VietinBank sẽ tăng lên 1.560 đồng (đã gồm VAT) thay vì 1.100 đồng trước kia. Phí chuyển khoản trong hệ thống (trừ tại quầy và Ipay) là 3.300 đồng/ lần thay vì mức phí 0 đồng đối với hạn mức 5 triệu đồng (thẻ thường) hoặc 10 triệu đồng (Thẻ G-card; Pink-Card)...

Tương tự, Vietcombank, Agribank cũng có thông báo nâng phí rút tiền nội mạng lên 1.650 đồng (đã bao gồm VAT).

Thông tin tăng phí này đã gặp phản ứng của khách hàng khiến Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong ngày 9/5 đã có ý kiến trao đổi với Hội thẻ và các Ngân hàng về việc ngân hàng cần có sự động thuận của khách hàng trong tăng phí, trong thời gian chưa có sự đồng thuận thì tạm dừng tăng.

“Thực tế, các ngân hàng tăng phí rút tiền nội mạng là đúng pháp luật, vì trần phí rút tiền nội mạng ATM hiện nay là 3.000 đồng (3.300 đồng cả VAT), trong khi các ngân hàng mới áp dụng phổ biến mức 1.000 đồng. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước có ý kiến trao đổi như vậy thì các ngân hàng cũng đã tạm dừng việc tăng phí” – đại diện truyền thông Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ngoài ra, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, có nhiều ý kiến của khách hàng cho rằng “phí chồng phí”, hay khi tăng phí các ngân hàng chỉ đưa lên website mà không có các hình thức thông báo khác như nhắn tin...

Việc tăng phí  thẻ ngân hàng thời gian qua đã khiến dư luận phản ứng mạnh

“Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng khi tăng phí thì phải có các hình thức tuyên truyền, minh bạch để tạo sự đồng thuận của khách hàng.

Mong muốn của Ngân hàng Nhà nước là người sử dụng dịch vụ ngân hàng và ngân hàng tìm được điểm cân bằng. Cân bằng ở chỗ là mức phí người sử dụng có thể chấp nhận được, nhưng mà ngân hàng cũng phải có chi phí để tái đầu tư, vận hành hệ thống tốt hơn” - vị đại diện cho biết.

Nếu tính đầy đủ, phí rút tiền lên đến 10.000 đồng/giao dịch

Trước đó, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết việc tăng phí lần này của các ngân hàng là phù hợp và trong lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Dẫn Thông tư 35 ban hành năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước, ông Tuấn cho biết theo lộ trình, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết hiện phí duy trì, bảo dưỡng các ATM đang cao hơn rất nhiều so với mức phí mà các ngân hàng đang thu.

“Tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Chính thực tế này dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia” – ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, do ngân hàng phải đảm bảo một lượng tiền mặt trong các cây ATM dẫn đến chi phí để duy trì lớn. “Nếu tính đầy đủ chi phí, mỗi giao dịch rút tiền, ngân hàng phải tính phí 7.000 – 10.000 đồng/giao dịch. Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, phí rút tiền nội mạng được phép thu tối đa 3.000 đồng/giao dịch song thực tế trước đó các ngân hàng chỉ tính phí 1.000 đồng/giao dịch” – ông Tuấn nói.

Thậm chí, theo ông Tuấn, nhiều ngân hàng còn đề xuất thu phí hạ tầng từ các ngân hàng nhỏ vì thời gian qua các ngân hàng nhỏ chỉ phát hành thẻ nhưng không đầu tư máy, dẫn đến hệ thống ATM của ngân hàng lớn phải gánh chịu, trong khi mức thu từ các chủ thẻ quá thấp và chịu lỗ.