Ngân hàng... nặng gánh

(ANTĐ) -Gánh nặng chống lạm phát đang đè lên vai hệ thống ngân hàng. Còn một gánh nặng khác không nhẹ hơn, đó là bất động sản thế chấp lên tới 50% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường bất động sản đang “xì hơi”. Cái khó nhất là, ngân hàng không thể san sẻ hoặc trút gánh nặng lên vai người khác. Chúng ta không thể quá nôn nóng chống lạm phát mà siết chặt tiền tệ “quá tay” khiến tính thanh khoản ngân hàng thương mại yếu đi và rủi ro tăng lên.

Ngân hàng... nặng gánh

(ANTĐ) -Gánh nặng chống lạm phát đang đè lên vai hệ thống ngân hàng. Còn một gánh nặng khác không nhẹ hơn, đó là bất động sản thế chấp lên tới 50% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường bất động sản đang “xì hơi”. Cái khó nhất là, ngân hàng không thể san sẻ hoặc trút gánh nặng lên vai người khác. Chúng ta không thể quá nôn nóng chống lạm phát mà siết chặt tiền tệ “quá tay” khiến tính thanh khoản ngân hàng thương mại yếu đi và rủi ro tăng lên.

Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần thống nhất một quan điểm: Vừa chống lạm phát vừa bảo vệ bằng được tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Nếu sốt ruột muốn đưa lạm phát dưới mức 12% như năm 2007 hoặc giảm tín dụng mức 54% về bằng được 30% trong năm nay, thì tính thanh khoản của ngân hàng thương mại sẽ rất khó khăn do “dư chấn” tăng trưởng tín dụng năm ngoái bây giờ mới tác động vào cuộc sống.

Hiện tại, Hiệp hội Ngân hàng vẫn muốn áp dụng trần lãi suất thấp hơn một chút. Song không thể cùng một lúc đạt hai mục tiêu: Vừa thắt chặt tiền tệ vừa để lãi suất thấp. Hơn thế, không thể bắt các ngân hàng lớn nhỏ với mức độ rủi ro khác nhau có cùng một mức lãi suất huy động. Tương tự như vậy, hai doanh nghiệp khác nhau sẽ vay lãi suất cao thấp khác nhau. Chủ trương bỏ trần lãi suất là đúng nhưng phải cân nhắc kỹ. Theo ông Vụ trưởng, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì trần lãi suất vay đến tháng 6. Bởi vì các ngân hàng nhỏ không thể huy động vốn với lãi suất thấp, trong khi các ngân hàng lớn vẫn có tiền gửi và đủ vốn. Nếu như ngân hàng nhỏ thiếu vốn và được Ngân hàng Nhà nước cung ứng tiền đảm bảo thanh khoản thì cung ứng tiền tăng lên. Rút cuộc lạm phát lại tăng lên.

Bởi thế Nhà nước phải mở “lối thoát” cho các ngân hàng thương mại bằng các biện pháp thị trường, không nên và không thể dùng các biện pháp hành chính theo kiểu vừa “chặn đầu “vừa khóa đuôi”. Theo các chuyên gia tài chính, bong bóng thị trường bất động sản đang xì hơi. Cho vay kinh doanh bất động sản chỉ bằng 10% tổng tài sản ngân hàng. Hiện nay ở nước ta, bất động sản thế chấp đã lên tới 50% tổng tài sản ngân hàng, tức là bằng GDP. Giả sử, nếu thị trường bất động sản đổ vỡ sẽ gây nguy hại cho toàn bộ hệ thống tài chính. Vì vậy, Chính phủ đã đưa ra một gói giải pháp cương quyết không để thị trường bất động sản tiếp tục căng bong bóng, mà cũng không để cho nó sụp đổ, phải xì hơi từ từ.

Có tín hiệu xuất hiện nguy cơ ngân hàng thương mại bị khủng hoảng khi có ngân hàng cho vay tới 250% vốn huy động. Tuy nhiên con số này không đáng lo ngại. Vì sao có ngân hàng huy động được 1 mà cho vay tới 2,5 lần? Đó là vì họ vay lại từ các ngân hàng lớn. Tiền đó thường là khoản vay có kỳ hạn giữa các ngân hàng với nhau. Không ngân hàng nào dám “liều mạng” vác tiền huy động “qua đêm” cho vay cả.

Từ tình hình thực tế diễn ra về tính thanh khoản thấp, cho vay bất động sản... liệu có phải là dấu hiệu khủng hoảng hệ thống ngân hàng? Ông Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cam đoan rằng, khó khăn thanh khoản là tạm thời nhưng không đáng lo và vẫn trong tầm kiểm soát. Gánh nặng của hệ thống ngân hàng cũng là gánh nặng chống lạm phát. Đến lúc phải chấp nhận chống lạm phát từ từ trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới đang treo lơ lửng trên đầu các nước. Bình tĩnh và tỉnh táo xử lý trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này, thì sẽ giảm dần và trút được gánh nặng trên vai.

Đan Thanh