Ngân hàng "nắm đằng chuôi"

ANTD.VN - Sau hơn một tháng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra một loạt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. 

Xu hướng giảm lãi suất được dự báo còn tiếp tục bởi theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, những tháng cuối năm 2017 việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ trong nước và quốc tế.

Đó là những yếu tố gì? Trước hết là áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn. Đồng USD giảm hơn 7% kể từ đầu năm trong khi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng tiếp lãi suất trong năm nay. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, giảm từ 3-4%. Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên về mức 6,5%/năm, cá biệt có ngân hàng thương mại giảm tới 6%/năm, thấp hơn trần quy định.

Cùng với đó, lạm phát nhiều khả năng được kiểm soát dưới mức mục tiêu Quốc hội đề ra (4%). Trong khi đó, “nút thắt” xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý tháo gỡ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. 

Với những yếu tố thuận lợi, điều kiện chín muồi, các ngân hàng có thể xem xét giảm thêm lãi suất hay không? Hiện các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải gánh mức lãi suất cao so với các nước như ở Thái Lan lãi suất chỉ khoảng 4,5%/năm, ở Trung Quốc là 3,2%/năm, trong khi lãi suất cho doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 8-9%/năm.

Nếu tính cả các chi phí khác để tiếp cận tín dụng ngân hàng, thì chi phí vốn vay của doanh nghiệp còn cao hơn nữa. Sức ép của lãi vay ngân hàng dồn nén lên doanh nghiệp là rất lớn, bởi phần lớn đều trông cậy vào nguồn vốn vay nên việc trả lãi là gánh nặng trĩu vai. Nếu chi phí này được giảm thì doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn, mạnh dạn vay đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số chuyên gia ngân hàng, trong thời gian tới, cho vay có giảm được hay không lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện của từng tổ chức tín dụng. Hiện nay, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khó giảm vì sự cạnh tranh giữ khách hàng, giữ thị phần trong hệ thống đang khá căng thẳng. Thực tế, có nhiều ngân hàng mặc dù đang ứ tiền nhưng vẫn không dám hạ lãi suất huy động vì lo sợ khách hàng sẽ “chạy” sang ngân hàng khác.

Ngân hàng chỉ xem xét lựa chọn đối tượng cho vay và giảm lãi suất cho một số khách hàng đáp ứng được điều kiện của ngân hàng đưa ra. Điều đó có nghĩa ngân hàng vẫn “nắm đằng chuôi”, trong khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên 21-22%, từ nay đến cuối năm có thêm 100.000 - 200.000 tỷ đồng và dòng vốn này sẽ chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh.