Ngân hàng "nắm đằng chuôi", lái xe gặp khó!

ANTD.VN - Sau khi Cục CSGT (Bộ Công an) và Ngân hàng Nhà nước có  Công văn số 2916 và 3851 về việc “Xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng”; “Khách hàng thế chấp phương tiện giao thông”, những người mua xe được ngân hàng giữ đăng ký xe không khỏi hoang mang, lo lắng. 

CSGT kiểm tra xử lý các lái xe vi phạm Luật Giao thông 

Việc xử phạt đối với các lái xe không có đăng ký gốc của CSGT hiện nay hoàn toàn đúng luật. Tuy nhiên, cả phía lái xe cũng như các doanh nghiệp và ngân hàng cũng mong muốn có những quy định phù hợp hơn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hoạt động tín dụng cũng như thực hiện nghiêm Luật Giao thông...

Xử phạt lái xe không mang đăng ký xe

Công văn số 2916 của Cục CSGT (Bộ Công an) về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng được Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT ký ngày 31-5 đã gây xôn xao cho các lái xe. Theo nội dung công văn trên, thời gian qua, Cục CSGT nhận được công văn của một số đơn vị, địa phương đề nghị hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng tham gia giao thông.

Ngay sau khi báo cáo Bộ Công an, Cục CSGT có công văn trao đổi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời có hướng dẫn cụ thể như sau: “Đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch đảm bảo (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012). 

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 24-5 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến đã ký Công văn số 3851 về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.  Công văn 3851 của Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích rõ ràng về điều 7a của NĐ 163 quy định về các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt.

Căn cứ vào những quy định trên, tình hình trên thực tế phương tiện giao thông thế chấp tại ngân hàng mà Bộ Công an đã phản ánh, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại NĐ 163 đã hướng dẫn.

Lái xe, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

Vay ngân hàng số tiền lên tới cả vài trăm triệu để mua chiếc xe Huyndai chạy taxi, anh Hoàng Văn Phương cũng chỉ nhận được đăng ký xe phô tô công chứng từ phía ngân hàng. Còn đăng ký xe gốc của chiếc xe phía ngân hàng đã cầm ngay sau khi chiếc xe được đăng ký xong. Khi biết thông tin nếu trong quá trình điều khiển phương tiện không mang theo đăng ký xe bản gốc sẽ bị CSGT xử phạt, anh Phương không khỏi lo lắng.

“Chiếc xe này tôi mua, đăng ký chính chủ mang tên tôi nhưng do tiền được vay từ ngân hàng nên ngân hàng giữ đăng ký gốc làm tài sản đảm bảo. Rõ ràng xe của mình mà bị xử phạt thì cũng vô lý. Còn nếu không để ngân hàng giữ giấy tờ xe thì chẳng có ngân hàng nào cho chúng tôi vay tiền để mua phương tiện làm kế sinh nhai. Nếu CSGT xử phạt như vậy thì chúng tôi rất khó có thể hoạt động được” - anh Phương nói.

Không chỉ lái xe taxi than phiền, ngay cả những đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện được mua từ nguồn tiền vay ngân hàng cũng tỏ ra lo lắng. Thông tin với phóng viên, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc hãng taxi Ba Sao (Hà Nội) cho biết, khá nhiều phương tiện của công ty được mua từ nguồn tiền vay từ ngân hàng.

Qua thống kê của bộ phận chức năng, hiện có khá nhiều phương tiện bị giữ vì lỗi lái xe không mang đăng ký xe bản chính trong quá trình điều khiển phương tiện. Để gỡ rối cho các lái xe, phía công ty cũng đã gửi công văn hỏi ngân hàng cho vay nhưng được đáp lại rằng việc giữ giấy tờ xe của ngân hàng lâu nay vẫn được các ngân hàng thực hiện. Khi hỏi Phòng CSGT, đơn vị cho biết việc kiểm tra, xử lý của CSGT đối với những lái xe vi phạm lỗi trên hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. 

Cũng giống như doanh nghiệp của ông Huy, nhiều công ty kinh doanh taxi khác lái xe taxi bị CSGT “hỏi thăm” khi không có đăng ký xe bản gốc. Đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng khi được hỏi đã cho biết, công ty có hơn 10 phương tiện vận tải hiện đang lưu thông. Già nửa trong số đó được công ty vay từ ngân hàng.

Theo hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, toàn bộ giấy tờ đăng ký xe của số phương tiện này phía ngân hàng nắm giữ. Trước những thông tin lái xe điều khiển phương tiện không mang theo đăng ký xe sẽ bị CSGT xử phạt, cả lái xe và chủ doanh nghiệp này như ngồi trên đống lửa. Khi đến ngân hàng cho vay để hỏi về việc giữ giấy tờ đăng ký xe, doanh nghiệp nhận được câu trả lời chờ hẹn xử lý sau của ngân hàng. 

Hài hòa giữa “lý và tình”

Lâu nay, việc ngân hàng giữ giấy tờ đăng ký gốc của các phương tiện mà chủ sở hữu vay tiền mua không phải là mới. Tuy nhiên, điều đáng nói đó là việc giữ giấy tờ này của phía ngân hàng đã gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Đối với những người mua phương tiện từ nguồn tiền vay ở ngân hàng cũng nghĩ đơn giản chỉ cần mang bản sao của giấy đăng ký cũng đủ điều kiện tham giao giao thông.

Tuy nhiên, họ không biết được rằng, việc không mang đăng ký xe bản gốc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm Luật Giao thông. Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: “Theo quy định của Luật Giao thông, tất cả người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông được đăng ký đều phải mang theo những giấy tờ có liên quan trong đó có đăng ký xe bản chính. Những giấy tờ công chứng hiện tại đều không có giá trị pháp lý”. 

Cũng theo đại diện Cục CSGT, căn cứ vào Nghị định 163 của Chính phủ, việc ngân hàng, các tổ chức tín dụng giữ đăng ký xe của người vay tiền mua phương tiện là sai. “Bên thế chấp chính là bên vay giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam và giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”- Đại diện Cục CSGT khẳng định.

Đồng tình với ý kiến của Cục CSGT, chuyên gia kinh tế, luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho biết, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi NĐ 11/2012 của Chính phủ) về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công văn 2916/C67-P9 của Cục CSGT là tương đối đầy đủ về tính pháp lý trong việc các ngân hàng không được giữ giấy đăng ký phương tiện bản gốc của khách hàng vay tiền và thế chấp tài sản là các phương tiện ô tô.

Quy định cụ thể là vậy song theo các chuyên gia, việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và chưa phù hợp. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015), thế chấp tài sản là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trên thực tế, khi bên nhận thế chấp không giữ Giấy chứng nhận đăng ký xe, bên thế chấp xe ô tô có thể dễ dàng bán, gán nợ, cầm cố, thế chấp… xe ô tô đã được thế chấp hợp pháp tại các ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì khách hàng đã giữ cả xe và Giấy chứng nhận đăng ký xe. Việc mua bán, sang tên đối với những phương tiện này khá dễ dàng. Theo các chuyên gia kinh tế, luật pháp luôn bảo vệ quyền và lợi ích của các ngân hàng nhận thế chấp xe. Mặc dù vậy, trên thực tế nếu không giữ giấy tờ gốc thì nguy cơ và rủi ro đối với tài sản thế chấp vô cùng lớn, nhất là tài sản có tính di biến động cao như phương tiện giao thông.

Việc thực hiện nghiêm NĐ 163 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng như Cục CSGT sẽ khiến cho các ngân hàng hạn chế việc cho vay, nhận thế chấp xe ô tô như đã thực hiện trong thời gian qua. Điều này ít nhiều ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế, xã hội.

Trước những nhận định này, đại diện Cục CSGT khẳng định: Về nguyên tắc cho vay tín dụng là người vay phải có tài sản đảm bảo thế chấp đối với số tiền được vay thì ngân hàng mới giải ngân để tránh “nợ xấu”. Ở đây đối với những người vay tiền ngân hàng mua xe lại không đem các tài sản thế chấp khác như nhà cửa, đất đai... mà lấy ngay tài sản được vay là tài sản thế chấp.

Đáng chú ý, tài sản được mang ra thế chấp này lại hình thành sau khi hợp đồng vay mượn có hiệu lực. Để đảm bảo cho sự “dễ dãi” này của chính mình, buộc ngân hàng phải giữ đăng ký, giấy tờ phương tiện để “nắm đằng chuôi” nhưng lại sai hoàn toàn so với quy định của NĐ 163 đã sửa đổi, gây khó khăn cho cả người dân và CSGT. Tuy vậy, còn có rất nhiều biện pháp quản lý tài sản thế chấp mà ngân hàng không phải giữ giấy tờ đăng ký gốc của phương tiện.

Có rất nhiều biện pháp quản lý tài sản thế chấp mà ngân hàng không phải giữ giấy tờ đăng ký gốc của phương tiện. Ví dụ như ngay sau khi phương tiện được đăng ký và nằm trong danh mục tài sản thế chấp ngân hàng, phía ngân hàng có công văn gửi Cục CSGT, Phòng CSGT các địa phương xác tín quyền lợi đối với tài sản thế chấp, ngăn không cho giao dịch mua bán, sang tên đổi chủ đối với phương tiện thế chấp này.

Bản thân nhiều ngân hàng hiện nay cũng có website công bố những phương tiện nằm trong danh mục thế chấp. Cùng với việc quản lý của Cơ quan công an, ngân hàng và ý thức nâng cao cảnh giác của người mua thì rất khó có chuyện chiếc xe nằm trong diện thế chấp ngân hàng được mang bán, đăng ký sang tên đổi chủ mà phía ngân hàng hay CSGT không biết.

Trong trường hợp chủ phương tiện cố tình mang tài sản thế chấp đi bán thì đương nhiên vi phạm các quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an)