Ngân hàng mong giảm phí, nhà mạng, tổ chức thẻ quốc tế vẫn “bình chân như vại”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người tiêu dùng bức xúc vì bị thu quá nhiều loại phí đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong khi đó, các ngân hàng cho rằng họ vẫn đang phải bù chi phí cho các giao dịch này do phải chịu chi phí lớn từ các nhà mạng trong nước và các tổ chức thẻ quốc tế.

Phí đã giảm nhưng vẫn còn nhiều

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)đã có những động thái chủ động giảm phí, đồng thời chỉ đạo Napas và các tổ chức tín dụng giảm phí dịch vụ thanh toán.

Cụ thể, NHNN đã điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống Trung tâm Điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ 01/4 -31/12/2020.

NHNN cũng đã có 2 lần chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và đến nay, đã có 100% ngân hàng tham gia thực hiện.

Ngoài ra, Napas và Vietcombank cũng áp dụng chính sách riêng hỗ trợ miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến cho một số doanh nghiệp giao thông vận tải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hết 2020.

Theo thống kê của NHNN, sau 2 lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 ước khoảng 1.004 tỷ đồng.

Đồng thời, dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Giảm phí dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Giảm phí dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Cũng theo số liệu từ cơ quan quản lý, trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy phí dịch vụ ngân hàng điện tử đã giảm nhiều, nhưng trên thực tế, các loại chi phí mà người dân đang phải bỏ ra để sử dụng dịch vụ này vẫn không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân còn rất thấp so với mặt bằng của các nước phát triển. Điều này dẫn đến khách hàng có cảm giác bị “tận thu”. Đây là một trong những trở ngại lớn trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Ngân hàng “kêu oan”

Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, nói ngân hàng “tận thu” của khách hàng là “oan”. Bởi hiện nay, giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường, do đó các ngân hàng đang phải bù lỗ với các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Đơn cử, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng, phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng/tháng. Trong khi các ngân hàng quy mô lớn, con số này lên tới nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm.

Như tại BIDV, một trong 4 ngân hàng có qui mô lớn nhất thị trường, sản lượng SMS tăng qua các năm. Tổng sản lượng 3 năm qua và 5 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 1.900 triệu tin, chi phí khoảng gần 1.200 tỉ đồng. Căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, BIDV ước tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỉ đồng.

Từ tháng 4 đến nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã 3 lần liên tiếp có văn bản đề nghị nhà mạng giảm cước tin nhắn dịch vụ tài chính, ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay. Tuy nhiên, đến nay các nhà mạng vẫn “án binh bất động”, chưa có trả lời chính thức.

Trong khi đó, đối với các giao dịch thẻ quốc tế, phía các ngân hàng Việt Nam cho rằng hiện nay các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đang áp dụng cơ chế thu phí khá phức tạp, thu nhiều loại phí đối với giao dịch thẻ và mức thu phí là rất cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa.

Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã có công văn gửi tới hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard kiến nghị miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, trong đó kiến nghị hai tổ chức này xem xét giảm chính sách phí đối với thị trường Việt Nam; đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để chia sẻ với khó khăn của hệ thống các ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kết quả đến nay vẫn dừng lại ở việc hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đã tiếp xúc, trả lời với Hiệp hội chứ chưa chính thức giảm phí.

“Hai tổ chức thẻ quốc tế đều bày tỏ thiện chí với các đề nghị từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, Visa và Mastercard cũng giải thích về chính sách phí toàn cầu của mình.

Hiện tại, chúng tôi và các tổ chức hội viên cũng đang chờ đợi và tiếp tục yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam” – ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam.

Để hiệu quả hơn, tôi cho rằng, đã đến lúc không chỉ Hiệp Hội Ngân hàng, hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài chính cần phải vào cuộc và lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard thực hiện miễn, giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính – ngân hàng