Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng: Ý nghĩa nhân văn to lớn

ANTĐ - Dù đã triển khai ghép tế bào gốc (TBG) lần đầu tiên cách đây 20 năm và đã làm chủ kỹ thuật, nhưng đến nay cả nước mới có khoảng 350 ca được ghép TBG. Tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, trong 10 năm qua cũng mới có trên 100 ca bệnh nhân được ghép, trong khi đó số ca bệnh điều trị các bệnh hiểm nghèo về máu tại viện thường xuyên khoảng 900 người. Nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng bệnh nhân được ghép ít ỏi là không có nguồn TBG hiến tặng và chi phí cho một ca ghép quá lớn. Trước thực trạng đó, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã học hỏi mô hình và quyết tâm,chủ động, sáng tạo thành lập Ngân hàng Máu cuống rốn cộng đồng, với hy vọng những bệnh nhân bị các bệnh hiểm nghèo sẽ có thêm cơ hội sống nhờ nguồn hiến TBG dồi dào. 

Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng: Ý nghĩa nhân văn to lớn ảnh 1

TBG cứu sống nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo

TBG là những tế bào tiền thân có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể, nhằm thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên, hoặc do bệnh lý. Theo bác sỹ chuyên khoa 2 Võ Thị Thanh Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì hiện có hai phương pháp ghép TBG để điều trị các bệnh nguy hiểm.

Đầu tiên là phương pháp ứng dụng tế bào gốc tự thân. Với phương pháp này, TBG được lấy từ chính bệnh nhân, sau khi truyền hóa chất cho bệnh nhân thì các bác sỹ sẽ dùng chính tế bào gốc đó để truyền lại cho người bệnh.

Phương pháp thứ hai là ghép đồng loại: Sử dụng TBG từ nhiều nguồn, có thể từ máu cuống rốn, tủy xương, có thể là từ anh chị em ruột cùng huyết thống hoặc từ những người không cùng huyết thống để ghép cho bệnh nhân. “Hiệu quả chữa bệnh đối với phương pháp ghép tự thân là 70%, phương pháp ghép đồng loại là 60-70%. Về mặt kỹ thuật thì ghép đồng loại cần tìm nguồn người cho phù hợp về gen, HLA. Xác suất phù hợp từ anh chị em ruột chỉ từ 25-30%. Trong điều kiện hiện nay, mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con thì xác suất rất thấp”, bác sỹ Bình nói.

Gần đây, các nhà chuyên môn xác định máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa một nguồn dồi dào TBG hệ tạo máu có thể thay thế cho TBG tủy xương, TBG máu ngoại vi trong điều trị các bệnh lý thuộc hệ tạo máu. Gần đây người ta cũng phát hiện và phân lập được thêm TBG trung mô và biểu mô có trong máu cuống rốn và ghép TBG máu cuống rốn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y khoa khác như bệnh lý da, giác mạc, tim mạch, xương khớp, thần kinh, tiểu đường… Tại Nhật, các năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3.500 ca được điều trị bằng ghép TBG, trong đó 47% các trường hợp ghép là TGB máu cuống rốn. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng ghép TBG điều trị bệnh về máu khoảng 70%.

Tại Việt Nam, những năm gần đây đã thành lập một số ngân hàng máu cuống rốn dịch vụ, theo đó những gia đình có nhu cầu gửi máu cuống rốn để sử dụng cho gia đình sẽ liên hệ với các bệnh viện. Chi phí cho việc điều chế, lấy mẫu máu cuống rốn khoảng 20-25 triệu đồng; chi phí cho mỗi năm lưu trữ khoảng 2,5 triệu đồng. Máu cuống rốn của mỗi trẻ lưu trữ tối đa tại các ngân hàng là 17-20 năm.

Ý nghĩa nhân văn to lớn

Sau khi học hỏi mô hình từ Nhật Bản, tháng 5-2014, Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã được thành lập. Theo GS.BS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì Viện đã ký hợp đồng với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, qua quá trình theo dõi sản phụ sẽ tìm ra những sản phụ có sức khỏe tốt, thai tốt, bánh rau dồi dào để có thể lấy được lượng máu lớn từ đó. Đến nay, gần 1.000 mẫu máu cuống rốn của các ca sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được thu thập và lưu trữ tại đây.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí thì Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng đem lại nhiều ý nghĩa lớn về cả kinh tế xã hội lẫn đạo đức, nhân văn. Theo đó, thì không chỉ người hiến tặng TBG được hưởng lợi mà cộng đồng, những người bệnh cần đến TBG cũng có thêm cơ hội sống và chi phí cũng thấp hơn rất nhiều.

“Đối với người hiến tặng cũng có nhiều lợi ích. Máu cuống rốn ấy nếu không hiến tặng thì cũng phải hủy đi như một loại rác thải y tế. Khi hiến tặng thì mẫu máu cuống rốn này sẽ được lưu trữ miễn phí tại ngân hàng, trong khi chi phí này khi gửi dịch vụ lên tới khoảng trên 40 triệu đồng. Hơn nữa không phải ai gửi vào rồi cũng có nhu cầu sử dụng vì tỷ lệ người cần đến TBG là rất ít, sau khoảng 18 năm nếu không sử dụng thì mẫu TBG này cũng phải hủy đi, do đó hiệu suất sử dụng rất thấp. Cái lợi ích lớn nữa là chúng tôi cam kết với người gửi là nếu trong trường hợp con cái họ cần đến TBG, chúng tôi đảm bảo cung cấp lại cho họ hoàn toàn miễn phí, nếu mẫu của con họ bị dùng rồi thì chúng tôi sẽ đối chiếu để tìm ra những mẫu phù hợp khác” - GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết.

Đối với cộng đồng thì Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng có tính nhân văn rất lớn, bởi mẫu TBG đó sau khi đã gửi vào ngân hàng sẽ trở thành tài sản chung của cộng đồng, bất cứ một người nào nếu cần .ghép thì đều có thể được đọ chéo, nếu phù hợp thì được cung cấp. Như vậy, lượng máu cuống rốn phục vụ bệnh nhân nhiều hơn rất nhiều, hiệu suất sử dụng máu cuống rốn ở đây rất lớn, ngân hàng không cần phải lưu trữ quá nhiều.

 “Kinh nghiệm của các bạn Nhật Bản là chỉ cần lưu giữ khoảng 3.000 - 3.500 đơn vị máu cuống rốn là đủ, chúng tôi cũng dự kiến lưu giữ khoảng như vậy thôi. Như vậy cơ hội sống vì có TBG để ghép cho các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo là rất lớn” - GS.TS Nguyễn Anh Trí nói - “Cho đến nay đã có gần 1.000 mẫu máu cuống rốn cộng đồng được hiến tặng. Bước đầu chúng tôi đã đọ chéo thử 2 trường hợp, một trường hợp bị ung thư máu thì có đến 4 mẫu TBG phù hợp, chúng tôi đã ghép ca này, cho đến thời điểm này đã có nhiều khả quan, chúng tôi đang theo dõi tiếp. Ca thứ hai cũng đã tìm được 5 mẫu máu cuống rốn phù hợp. Điều này tiếp thêm niềm tin vô cùng to lớn cho chúng tôi rằng có nguồn TBG dồi dào ghép cho bệnh nhân và hiệu suất sử dụng tế bào máu cuống rốn ở ngân hàng sẽ rất cao”.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết quy trình lấy và lưu trữ TBG tại đây vô cùng ngặt nghèo. Thứ nhất là sản phụ phải hoàn toàn khỏe mạnh, tuổi không quá 35, không mắc các bệnh nhiễm trùng, quá trình mang thai phải hoàn toàn bình thường, người mẹ không mắc các bệnh di truyền hoặc nếu có sinh con trước đây thì con phải không mắc các bệnh di truyền. Thứ hai là trong quá trình chuyển dạ người mẹ phải đẻ trong vòng 24 tiếng, không bị sốt, quá trình sinh không xảy ra tai biến. Tuổi thai phải từ 36 tuần trở lên, trẻ sinh ra phải nặng 3.000g trở lên, không có dị dạng, bánh nhau dây rốn không bị dập nát, không bị nhiễm trùng, lượng máu dây rốn ít nhất từ 70 ml trở lên.

Các mẫu máu cuống rốn sau khi về đến Viện tiếp tục được đo số lượng tế bào có nhân (bạch cầu), kiểm tra xem có bệnh lý huyết sắc tố (thalassemia..) hay không rồi mới đưa vào tiếp tục xử lý, tách chiết thành TBG trong một môi trường vô trùng hoàn toàn, sau đó làm lạnh từ từ đến khi nhiệt độ đạt -100 độ C rồi chuyển sang các thùng chứa nitơ để nhiệt độ luôn đảm bảo ở mức -196 độ C để lưu trữ lâu dài.