Ngân hàng lớn, lãi suất thấp vẫn hút tiền gửi

ANTD.VN - 4 ông lớn ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đang là những ngân hàng đứng top dưới về mặt bằng lãi suất huy động. Nhưng đây lại đang là những ngân hàng thu hút lượng tiền gửi lớn với  trên một nửa tiền gửi toàn hệ thống.

Khảo sát thời điểm này, lãi suất huy động của các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể, có thể lên đến 2% ở các kỳ hạn dài.

Đơn cử như kỳ hạn trên 24 tháng tại Vietcombank, lãi suất chỉ ở mức 6,6%/năm; Agribank là 6,8%/năm; Vietinbank: 6,8-7%; BIDV 6,9%... Trong khi đó, khối các ngân hàng cổ phần nhỏ, mức lãi suất có thể lên đến 8,6%/năm như ở tại VietCapitalBank. Tại các ngân hàng TMCP tầm trung khác, mức lãi suất trung – dài hạn dao động quanh mức 7,2 – 8,2%/năm.

Như vậy, có thể thấy để thu hút tiền gửi khách hàng, các ngân hàng nhỏ luôn phải dùng đến công cụ tối ưu là lãi suất với mức chênh rõ ràng so với các ngân hàng TMCP Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính qua các thời kỳ của các thành viên hệ thống ngân hàng, có thể thấy lượng tiền gửi vẫn dồn vào những ngân hàng lớn.

Báo cáo tài chính quý 3-2018 cho thấy, 3 “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tới khoảng 2,5 triệu tỷ đồng trên tổng số gần 5,5 triệu tỷ đồng tiền gửi của các ngân hàng đã công bố.

Riêng Agribank, dù chưa công bố con số cụ thể nhưng trong lần công bố gần đây nhất hồi đầu năm thì lượng tiền gửi tại ngân hàng này đã vượt 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống.

Các ngân hàng lớn có lợi thế về uy tín và mạng lưới rộng

BIDV hiện có 953,5 nghìn tỷ đồng tiền gửi khách hàng; tiếp đến là Vietinbank với 825,7 nghìn tỷ đồng; Vietcombank với 773,4 nghìn tỷ đồng. Theo ước tính, tổng số tiền gửi khách hàng tại 3 ngân hàng này đang chiếm khoảng 35% tiền gửi toàn hệ thống. Nếu tính cả Agribank, con số tiền gửi 4 ngân hàng này ước tính chiếm tới khoảng hơn 50% tiền gửi toàn hệ thống.

Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần nhỏ, lượng tiền gửi chưa  bằng... số lẻ của ngân hàng lớn. Đơn cử như VietCapitalBank (ngân hàng đang đứng đầu về lãi suất huy động), lượng tiền gửi khách hàng chỉ hơn 33 nghìn tỷ đồng; Kienlongbank là hơn 27 nghìn tỷ đồng; NCB hơn 47 nghìn tỷ đồng; NamABank hơn 51 nghìn tỷ đồng...

Không những vậy, trong 3 quý đầu năm 2018, tăng trưởng tiền gửi huy động 3 ngân hàng TMCP Nhà nước đều ở mức cao, trên dưới 10%. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, mỗi ngân hàng này đã có thêm khoảng 70 đến 90 nghìn tỷ đồng, thậm chí gấp nhiều lần tổng tiền gửi vào nhiều một số ngân hàng top dưới.

Không chỉ là thu hút tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng nhận được lượng tiền gửi lớn từ ngân sách Nhà nước với hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Trong khi đó, nguồn tiền gửi từ dân cư, tổ chức kinh tế chiếm phần lớn trong cơ cấu tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ.  

Sở dĩ các ngân hàng lớn vẫn hút lượng tiền gửi dân cư, bất chấp lãi suất tiền gửi thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân là vì được đánh giá cao hơn về uy tín, an toàn và đặc biệt là sự thuận tiện khi có mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp đất nước.