Ngân hàng lãi đậm mùa dịch: Lợi nhuận còn “ảo” và “bóng đen” nợ xấu vẫn trực chờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ngân hàng tiếp tục công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác động của dịch Covid-19 vẫn đến các ngân hàng sẽ có độ trễ so với các ngành kinh doanh khác.

Lãi “khủng” đến từ đâu?

Theo thống kê tại 13 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021, tổng lợi nhuận trước thuế lên đến trên 30.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ, đa số các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số, thậm chí là 3 con số, vượt kế hoạch năm chỉ trong vòng 6 tháng.

Đơn cử như VietCapital Bank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng tới 440% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 16% kế hoạch cả năm. NCB, Kienlongbank cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 400%...

Dù nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần nhưng cấu phần quan trọng góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng những tháng đầu năm lại đến từ thu nhập ngoài lãi, trong đó chủ yếu là hoạt động dịch vụ và kinh doanh chứng khoán...

Ngoài ra, việc giảm mạnh chi phí hoạt động, giảm huy động vốn trong bối cảnh thanh khoản khá dồi dào cũng giúp cá các ngân hàng gia tăng biên lãi ròng. Một số ngân hàng thậm chí còn giảm huy động vốn so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm.

Một số ngân hàng lợi nhuận đến chủ yếu từ giảm trích dự phòng như BacABank, PGBank...

Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo tài chính ngân hàng quý 2 là nợ xấu của 13 ngân hàng không tăng đáng kể. Thậm chí một số đơn vị duy trì ở tỷ lệ nợ xấu rất thấp như Techcombank (0,4%), MB (0,7%), TPBank (1,1%) hay Kienlongbank (1,08%).

Trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng công bố lãi “khủng” trong bối cảnh các doanh nghiệp đang lao đao vì dịch là phản cảm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lại cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng.

Thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh chứng khoán đóng góp lớn vào lợi nhuận các ngân hàng 6 tháng đầu năm

Thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh chứng khoán đóng góp lớn vào lợi nhuận các ngân hàng 6 tháng đầu năm

Ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững, các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Điều này có được, theo ông Thành là nhờ 5 năm qua hệ thống ngân hàng tăng trưởng tốt, không tăng trưởng nóng. Các ngân hàng cũng đổi mới về quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro.

“Nhiều ý kiến bức xúc rằng ngân hàng tăng trưởng mạnh, báo cáo lợi nhuận cao trong khi nhiều ngành khó khăn. Nhưng chúng ta cần lưu ý, đây là câu chuyện thị trường, không thể ép các ngân hàng phải hỗ trợ, chia sẻ. Điều quan trọng là các ngân hàng vẫn huy động và phân bổ được vốn cho nền kinh tế” - vị chuyên gia nói.

“Bóng đen” nợ xấu đang chờ phía trước

Cùng quan đểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết,lợi nhuận ngân hàng đến từ rất nhiều nguyên nhân và là kết quả kết tinh từ một quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ.

Cũng theo ông, lợi nhuận ngân hàng, về con số thì khá lớn nhưng nếu tính bình quân trên mặt bằng tổng tài sản, vốn điều lệ, các chỉ số tài chính như ROA, ROE… thì không phải cao so với một số ngành, lĩnh vực khác.

Ông Hùng cũng cho rằng việc lợi nhuận ngân hàng cao cần phải được nhìn nhận như một dấu hiệu đáng mừng. Bởi ngân hàng là "huyết mạch" của nền kinh tế. Ngân hàng hoạt động tốt sẽ là cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Vị lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cũng phủ nhận quan điểm cho rằng lợi nhuận ngân hàng tăng do chênh lệch lãi suất cao. Mức chênh lệch này có cao hơn trong năm 2021 nhưng theo ông, điều này là hợp lý và phù hợp với thực tế (chênh lệch này chưa tính toán đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro) chứ không phải do ngân hàng lợi dụng việc giảm lãi suất đầu vào mà tăng hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thực tế lợi nhuận ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phản ánh hết tác động của đại dịch Covid-19.

Trong đó, riêng vấn đề nợ xấu, việc NHNN cho phép các ngân hàng tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 đã giúp nhiều khoản nợ quá hạn chưa bị chuyển nợ xấu, và do đó các ngân hàng cũng chưa phải trích lập dự phòng đầy đủ, giúp giảm chi phí.

Và vì vậy, một phần không nhỏ trong con số lợi nhuận các ngân hàng công bố có thể chỉ là “lãi ảo”, sẽ bị giảm mạnh khi được tính toán đầy đủ sau khi các quy định về tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ không còn hiệu lực. Trong khi đó, hàng loạt khoản nợ hết thời gian cơ cấu phải chuyển nợ xấu, sẽ là một gánh nặng không nhỏ với các ngân hàng.