Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp - nên “xé rào” hạ chuẩn hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều chuyên gia ủng hộ đề xuất dùng ngân sách cấp bù lãi suất để các ngân hàng có điều kiện giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều câu hỏi hóc búa đặt ra như: Giảm cho ai? Nguồn tiền cho vay ở đâu? Cơ chế nào để kiểm soát rủi ro?...

Doanh nghiệp lo “con trâu chết, 4 người vẫn chưa bàn xong”

Theo TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), vừa qua, theo thống kê, có 26,8% doanh nghiệp (DN) đang thiếu vốn. Nhưng đây chỉ là con số trong dịch, các DN không có cơ hội đầu tư sản xuất, không có nhu cầu vay vốn, còn bình thường trong các năm thì số DN vay lên đến hơn 60%.

Khi đặt vấn đề giảm lãi suất thì số DN vay vốn sẽ nhiều hơn, họ chấp nhận rủi ro để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, từ trước tới nay, các gói hỗ trợ đều bế tắc ở việc không thể tiếp cận được vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn.

Các DN phải có tài sản thế chấp, hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. “Cuối cùng là không ai giải quyết được, Nhà nước không thể bảo lãnh, ngân hàng thì càng không, rốt cục thì chả ai vay được. Nếu không thể tháo gỡ được thì vấn đề hỗ trợ vẫn là bế tắc” – ông nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng cho rằng cái khó nhất của DN hiện nay là không thể tiếp cận vốn. Ông ví von: “Tạm gọi DN là trâu đi cày đi, khi nó ốm thì người bảo phải cho ăn cỏ, người bảo cho đắp chăn, nhưng không ai làm cả. Ai cũng sợ trách nhiệm, sợ vất vả, kết quả thì con trâu chết xong 4 ông vẫn chưa bàn xong...”.

Do đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng hỗ trợ DN, cái mất của ngân hàng là một số vấn đề chưa giải quyết được, nhưng cái được của nền kinh tế là rất lớn. “Đời sống của người dân tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng, tất cả mọi thứ đều tăng thì không ai để ý, tại sao chỉ chăm chăm vào một số thứ mà ngần ngại” – ông nói.

Tuy nhiên, về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, hiện nay các ngân hàng cũng đang rất khó khăn, dư địa hỗ trợ DN gần như cạn kiệt.

Thời gian qua, ngân hàng hỗ trợ DN hoàn toàn từ tiền của các ngân hàng, các hàng hỗ trợ được 26.000 tỷ lãi suất hầu hết là hỗ trợ các khoản dư nợ hiện hữu, chứ không phải dư nợ cho vay mới. Cho nên, theo ông, khi ngân hàng muốn hỗ trợ vay mới là rất khó.

Rất nhiều vấn đề hóc búa đặt ra đối với ngân hàng khi hỗ trợ doanh nghiệp

Rất nhiều vấn đề hóc búa đặt ra đối với ngân hàng khi hỗ trợ doanh nghiệp

“Xé rào” hạ chuẩn hay để thị trường tự quyết định?

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay các DN đều rất khó khăn, nhiều DN không đảm bảo các điều kiện vay vốn ngân hàng. Trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng là không đổi, ngân hàng không thể tự ý giảm chuẩn được, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể tự đặt ra một thông tư dưới chuẩn theo quy định.

Vì vậy, nếu hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải nghiên cứu, nếu cần thì kiến nghị Chính phủ - Quốc hội cho phép ngân hàng trong một bối cảnh nhất định cấp vốn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đặt câu hỏi, khi đã có cơ chế thì việc quản lý kiểm soát rủi ro ra sao cũng là một vấn đề cần cân nhắc và tính toán, vì bài học đối với ngành ngân hàng từ năm 2009 vẫn còn đó, hậu quả đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Cũng đề cập những rủi ro lớn sẽ xảy ra với hệ thống tài chính nếu cho vay dưới chuẩn, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng khi đặt vấn đề có gói cấp bù ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho DN thì phải xác định có những DN không thể vay được.

“Đừng nghĩ có gói đó thì DN nào cũng vay được. Tôi nghĩ gói đó là gói hỗ trợ có mục tiêu, có tính lan tỏa cao. Chỉ có những DN còn thị trường, những DN có số lượng lao động tốt, có tính lan tỏa tốt, có hệ sinh thái với những DN nhỏ và vừa gia công cho nó thì chúng ta mới hỗ trợ.

Cho nên phải đặt vấn đề khi có gói đó, sẽ có các DN không thể vay được nếu ông không chứng minh được ông sản xuất hàng hóa bán ở đâu, ông có khả năng trả nợ tôi không. Đây là cho vay qua các tổ chức tín dụng chứ không phải cấp phát từ ngân sách nhà nước, cho nên phải có hiệu quả thì mới cho vay được” – ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, việc ngân hàng cho các DN vay cũng phải tuân theo nguyên tắc thị trường, không thể áp đặt ý muốn chủ quan vào các quy luật thị trường.

“Mong muốn là một chuyện, nhưng vẫn phải tuân theo quy luật. Quy luật thị trường rất khắc nghiệt nhưng cũng rất sòng phẳng, rõ ràng. Nếu anh không hiệu quả, thị trường không chấp nhận thì anh không được vay. Đấy là nguyên tắc sơ đẳng, chúng ta phải chấp nhận”.

Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề, nếu ngân hàng cho DN vay mà DN không trả được thì Nhà nước mất 2 lần tiền, tức là mất tiền hỗ trợ lãi suất và nếu DN không trả được thì Nhà nước lại phải trả cho ngân hàng.

“Thế nên nếu bỏ ra 1 đồng thì Nhà nước phải chuẩn bị tinh thần 2 đồng” – ông nói.