Ngân hàng "đau đầu" vì tội phạm lừa đảo tài khoản ngày càng tinh vi

ANTD.VN - Ngoài thủ đoạn gắn các thiết bị lạ vào ATM để để đánh cắp thông tin thẻ nhằm làm thẻ giả, rút tiền của khách hàng, thời gian gần đây, đã xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn mới của tội phạm thẻ ngân hàng.

Nhiều thủ đoạn mới

Mới đây, hai ngân hàng lớn tại Việt Nam là Vietcombank và BIDV đã phải lên tiếng cảnh báo khách hàng trước hiện tượng các đối tượng lừa đảo giả mạo giao diện website ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Theo đó, khi truy cập vào một đường link http://homebank247.com, khách hàng sẽ được dẫn đến website có giao diện giống với giao diện đăng nhập internet banking của Vietcombank, BIDV.

Theo các chuyên gia bảo mật, đây là thủ đoạn của hacker đánh lừa người dùng để lấy mật khẩu và token chuyển tiền. Hacker sẽ gửi sms hoặc email vào hộp thư của người dùng, yêu cầu đổi mật khẩu internet banking vì lý do bảo mật, đồng thời gửi theo đường link giả mạo. Nếu người dùng đăng nhập thì các thông tin tài khoản sẽ người dùng sẽ bị chiếm dụng.

Mới đây nhất, Vietcombank tiếp tục đưa ra cảnh báo hiện tượng hacker “hack email” doanh nghiệp để thay đổi thông tin người hưởng trên các chứng từ giao dịch. Nếu người chuyển tiền không để ý sẽ chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo mà không biết.

“Khách hàng sau đó đã yêu cầu Vietcombank hỗ trợ đòi tiền từ ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, khả năng đòi được tiền đối với giao dịch bị hack email là rất thấp do Hacker thường rút tiền ra khỏi tài khoản ngay khi nhận được tiền hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp của ngân hàng nước ngoài” – Vietcombank cho hay.

Tội phạm lừa đảo tài khoản ngày càng tinh vi

Cùng với các thủ đoạn mới này, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra các cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của đối tượng phạm tội, phổ biến như:

Dụ dỗ mở tài khoản và bán lại thông tin. Theo đó, các đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ người mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking hoặc Mobile Banking, SMS Banking rồi mua lại tài khoản đó phục vụ các mục đích lừa đảo người khác mà không bị phát hiện thân phận.

Giả mạo làm nhân viên ngân hàng, công an điều tra, đại diện cơ quan chức năng để khống chế hoặc dụ dỗ chuyển tiền, yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản như Internet Banking, SMS Banking, đăng ký số điện thoại của đối tượng… và nộp tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.

Ngân hàng “đau đầu”

Thủ đoạn phạm tội của đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, trong khi các ngân hàng còn sử dụng các công nghệ thẻ kém bảo mật, nhiều khách hàng chưa có ý thức giữ gìn các thông tin thẻ đã khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” của tội phạm thẻ. Những năm gần đây, cơ quan công an đã bắt hàng loạt vụ các đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích làm giả thẻ để rút tiền.

Các vụ mất tiền trong tài khoản khiến nhiều ngân hàng “đau đầu”. “Rất nhiều các vụ việc mất tiền trong tài khoản do khách hàng lộ thông tin thẻ vì truy cập các đường link của các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt với các thẻ thanh toán quốc tế, nếu bị lộ thông tin thẻ thì đối tượng lừa đảo dễ dàng thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ. Nhưng khách hàng không ý thức được điều này, sau đó lại quay lại “bắt đền” ngân hàng, những trường hợp này ngân hàng rất khó giải quyết” – cán bộ Trung tâm thẻ một ngân hàng cho biết.

Một điểm yếu của hệ thống thẻ Việt Nam là đa phần vẫn đang sử dụng công nghệ thẻ từ - một công nghệ rất dễ bị sao chép. Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất đến cuối năm 2020, toàn bộ thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam sẽ phải chuyển đổi sang thẻ chip với công nghệ bảo mật hơn.

Hiện nay, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đang thực hiện thí điểm bộ tiêu chuẩn thẻ thanh toán nội địa VCCS với 6 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, ABBank, BIDV và TPBank, 3 đơn vị cung cấp thẻ chip và 6 đơn vị cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều này đã khá chậm so với lộ trình, trong khi lộ trình của Việt Nam vốn đã chậm hơn nhiều so với thế giới.

Mới đây, Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành bộ tiêu chuẩn VCCS và chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi chi tiết theo lộ trình phù hợp. Theo đó, tại mốc thời gian áp dụng, nếu ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng thanh toán chưa thực hiện được việc phát hành hoặc chấp nhận thanh toán thẻ chip thì ngân hàng đó sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo.

Đồng ý với kiến nghị này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng việc khách hàng mất tiền trong tài khoản tùy theo từng trường hợp mà ngân hàng đền tiền hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp các ngân hàng tiếp tục dùng thẻ công nghệ từ khiến tội phạm dễ dàng đánh cắp dữ liệu của khách hàng và thực hiện rút tiền trên tài khoản thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng.