Ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ, liệu 2018 lãi suất có giảm thêm

ANTD.VN - Hàng loạt ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ trong năm 2017, cùng với động thái giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên của một số ngân hàng ngay từ đầu năm đã khiến nhiều người kỳ vọng về việc lãi suất sẽ giảm thêm trong năm 2018.

Hàng loạt ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ trong năm 2017, cùng với động thái giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên của một số ngân hàng ngay từ đầu năm đã khiến nhiều người kỳ vọng về việc lãi suất sẽ giảm thêm trong năm 2018.

Lợi nhuận khủng

Dẫn đầu lợi nhuận trong năm 2017 là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) với lợi nhuận trước thuế đạt tới trên 11.000 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế trước dự phòng rủi ro lên tới 17.206 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2016 và vượt kế hoạch đề ra.

Đứng sau Vietcombank là Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.200 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đạt con số kỷ lục, lên tới 8.800 tỷ đồng. Agribank sau nhiều năm tái cơ cấu nay cũng bất ngờ công bố mức lợi nhuận trước thuế lên tới 5.500 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, năm nay, nhiều ngân hàng cũng đạt mức lợi nhuận trước thuế cũng tăng khủng, trên 40%. Chẳng hạn, Ngân hàng Quân đội (MBBank) lợi nhuận tăng tới 44,3%, đạt mức 5.355 tỷ đồng. Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.405 tỷ, tăng trưởng tới 100% so với cùng kỳ năm trước và đạt 187% kế hoạch cả năm.

Có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân chính là do các ngân hàng năm qua đều có tăng trưởng tín dụng cao nên lợi nhuận cũng cao hơn. Thứ hai là các ngân hàng đã kiểm soát rủi ro tốt hơn, do đó giảm trích lập dự phòng rủi ro. Cùng với đó là những cố gắng giảm chi phí của ngành ngân hàng.

Liệu lãi suất có giảm?

Đầu năm 2018, ngay sau khi Thủ tướng phát tín hiệu yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thì một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Vẫn còn nhiều "chướng ngại vật" trong việc giảm lãi suất trong năm 2018

Động thái này cùng với lợi nhuận khủng mà các ngân hàng đạt được trong năm 2017 khiến không ít người kỳ vọng lãi suất trong năm 2018 sẽ giảm xuống, giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên của một số ngân hàng dù là tín hiệu tốt nhưng chỉ là cục bộ theo lời “hiệu triệu” của Ngân hàng Nhà nước chứ không đồng nghĩa là dấu hiệu giảm mặt bằng lãi suất.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng hoạt động kinh doanh tốt trong năm 2017 sẽ có thể có tác động tích cực nào đó đến lãi suất trong năm 2018 nhưng không hẳn các ngân hàng sẽ “hy sinh” bớt lợi nhuận để giảm lãi suất trong năm 2018. Bởi vì, mỗi năm các ngân hàng sẽ hạch toán riêng, lợi nhuận 2017 đã chốt  và sang năm 2018 họ sẽ phải bắt đầu một năm tài khóa mới, bắt đầu kế hoạch mới.

“Kỳ vọng của tôi là lãi suất sẽ giảm đôi chút, tuy nhiên thực tế tùy thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố quan trọng có thể sẽ tác động đến lãi suất như lạm phát và tăng trường tín dụng” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo đó, nếu chúng ta không kiểm soát được lạm phát khiến lạm phát tăng thì sẽ khó giảm lãi suất huy động, và như vậy lãi suất co vay cũng sẽ tăng.

Còn đối với tăng trưởng tín dụng, nếu tăng trưởng tín dụng cao thì lơi nhuận mang lại cho ngân hàng sẽ nhiều, sẽ là điều kiện giảm lãi suất. Tuy nhiên, năm 2018 sẽ có nhiều thách thức đối với vấn đề tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

“Năm 2018, Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực mà điểm đáng lưu ý là cho phép phá sản ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải hoạt động cẩn thận hơn, không thể mãi dựa vào bảo hộ của Ngân hàng Nhà nước, do đó sẽ phải cẩn trọng hơn trong vấn đề tăng trưởng tín dụng, vì tăng càng mạnh thì rủi ro càng cao.

Thứ hai, Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đến năm 2020 đã được phê chuẩn và năm nay sẽ phải thực hiện. Điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng và các ngân hàng sẽ phải siết chặt hoạt động để giảm thiểu rủi ro” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Cùng với đó việc phải tiếp tục xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, nhiều chuyên gia nhận định lãi suất năm 2018 có thể chỉ giảm đối với các đối tượng ưu tiên, khó áp dụng đại trà.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận với vốn vay rẻ càng khó khăn. Nguyên nhân do các ngân hàng lớn đa phần vẫn “chuộng” cấp vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn, trong khi đối với các ngân hàng tầm trung và nhỏ thì lãi suất vẫn sẽ khó giảm trong năm tới.