Ngân hàng cố tình "đẩy" vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng

ANTD.VN - Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, những tháng đầu năm 2017, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016. 

Không chỉ tốc độ tăng trưởng dư nợ bất động sản giảm mà tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ chung toàn hệ thống cũng giảm, chỉ còn hơn 8%. 

Theo NHNN, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay có bảo đảm bằng bất động sản, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn… để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động.

“NHNN không đưa ra quy định cấm nhưng luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn hợp lý sao cho cấp được tín dụng theo nhu cầu sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Trước đó, Thông tư 06 của NHNN có hiệu lực từ đầu năm cũng đã nâng hệ số rủi ro của các khoản vay bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng thương mại sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay bất động sản, tín dụng vào lĩnh vực này sẽ bị co hẹp. 

Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng vẫn đua nhau đưa ra các gói vay ưu đãi kích thích vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân. Điều này khiến lượng tiền cho vay mua nhà tại các ngân hàng tăng mạnh những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017. Có điều, thay vì được xếp vào tín dụng bất động sản thì số tiền cho vay mua nhà đang có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực vay tiêu dùng.

Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, cho vay sửa chữa, mua nhà có xu hướng tăng mạnh trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Cụ thể, vay sửa chữa, mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016 và chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. 

Cuối năm 2016, con số này là trên 49% và khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, hình thái tín dụng bất động sản đang có sự chuyển dịch sang tín dụng tiêu dùng và cần được theo dõi, đánh giá.

Theo tính toán của một chuyên gia tài chính, hiện tại, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Với hơn 50% số này là cho vay sửa chữa, mua nhà, nếu được tính vào tín dụng bất động sản có thể khiến tỷ lệ tín dụng bất động sản không phải con số 8% như thống kê.

Vậy phải chăng các ngân hàng đang dùng “thủ thuật” đẩy một phần tín dụng bất động sản sang tín dụng tiêu dùng, nhằm đối phó với quy định của Thông tư 06? Theo TS Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TP.HCM), việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua, sửa chữa nhà ở là tín hiệu tích cực, giúp kích thích thị trường bất động sản.

Đây cũng là khoản vay ít rủi ro vì đã có tài sản đảm bảo là chính ngôi nhà của người vay. Tuy nhiên, việc dùng giải pháp kỹ thuật, “giấu” cho vay bất động sản vào vay tiêu dùng cũng cần lưu ý, vì những lo ngại   về tín dụng bất động sản vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh cung - cầu bất động sản vẫn còn “lệch pha” như hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, với tỷ lệ khoảng 10% tổng dư nợ là tín dụng tiêu dùng thì 50% số này là cho vay sửa chữa, mua nhà cũng chưa đáng lo ngại. “Nếu tính cả con số này vào tín dụng bất động sản thì có thể sẽ tăng tỷ lệ tín dụng bất động sản khoảng vài phần trăm, chưa phải đáng lo vì thời kỳ đỉnh điểm, tín dụng bất động sản lên tới khoảng 14-15% tổng dư nợ” - một chuyên gia nêu quan điểm.

Tuy nhiên, việc xếp tín dụng cho vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng có thể khiến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ tín dụng bất động sản không được phản ánh đúng thực tế, gây khó khăn trong việc quản lý.