Ngân hàng ACB có giám đốc điều hành tạm thời

ANTĐ - Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ông Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc ACB vẫn tiếp tục làm việc với cơ quan điều tra, hiện tại ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Thường trực sẽ tạm thời điều hành mọi hoạt động khi ông Hải vắng mặt. 

Hoạt động tại các chi nhánh của ACB vẫn diễn ra bình thường

Ông Lý Xuân Hải vẫn chưa trở lại làm việc

Chiều 22-8, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu ACB cho biết: “Trong ngày 21-8, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh có hiện tượng người dân rút tiền nhiều hơn bình thường ở một số chi nhánh, tuy nhiên không phải là phổ biến. Phía ngân hàng cũng đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân một cách bình thường. Lãnh đạo ACB đã lường trước tình huống xấu nhất là ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ thanh khoản cho ACB, chúng tôi cần bao nhiêu NHNN hỗ trợ bấy nhiêu”. 

“Trong ngày 22-8, lượng người rút tiền đã giảm. Tại Hà Nội và các địa phương khác không có báo cáo gì bất thường về hiện tượng rút tiền hàng loạt. Hiện ngân hàng vẫn hoạt động bình thường”, ông Toại cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi về việc ông Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc ACB được cơ quan điều tra triệu tập làm việc ông Toại cho biết: “Ngày hôm qua, ông Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc ACB được cơ quan điều tra triệu tập đến trụ sở Cơ quan CSĐT thường trực phía Nam làm việc. Ông Hải vẫn đang phối hợp với phía cơ quan điều tra và chưa trở lại làm việc tại ngân hàng. Hiện tại, ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng ACB sẽ là người điều hành trực tiếp các hoạt động của ngân hàng trong khi ông Hải vắng mặt”.

Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ tại một số điểm giao dịch của Ngân hàng ACB trên địa bàn TP Hà Nội, các hoạt động gửi tiền, rút tiền vẫn diễn ra bình thường. Tại các phòng giao dịch của ACB, các nhân viên cũng được quán triệt cũng như cung cấp thông tin để giải thích cho khách hàng hiểu được bản chất vấn đề trong trường hợp khách hàng hỏi hoặc có ý định rút tiền trước kỳ hạn.

Anh Trần Mạnh Hùng - (Quận Tây Hồ - Hà Nội) - khách hàng gửi tiền cho biết: “Ngày hôm qua tôi cũng có đọc báo và xem truyền hình nên được biết vụ việc cơ quan điều tra bắt “bầu” Kiên. Tuy nhiên, Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Nhà nước đã giải thích rất rõ ràng. Tại điểm giao dịch còn in trả lời của Ngân hàng Nhà nước để khách hàng đọc. Do đó, không có lý do gì khiến tôi lo ngại, tôi cũng là một khách hàng thân thiết của ngân hàng này nên vẫn rất yên tâm gửi tiền tại đây. Những người lo lắng rút tiền trước thời hạn có lẽ là do họ chưa nắm rõ thông tin”.

Nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đều lên tiếng “chối bỏ” ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Kiên và ông Kiên không hề nắm giữ bất kỳ sự chi phối nào với các ngân hàng trên. Tổng Giám đốc Eximbank - ông Trương Văn Phước khẳng định, ông Kiên chỉ nắm trên dưới 1% cổ phần và hoàn toàn không có ảnh hưởng hay giữ chức vụ gì tại ngân hàng này. Tổng Giám đốc Sacombank - ông Phan Huy Khang cũng khẳng định ông Kiên và cả Ngân hàng ACB không có mối quan hệ nào về cổ phần với Sacombank.


Cổ phiếu ACB, EIB, STB tiếp tục nằm sàn

Sau cơn chao đảo ngày 21-8, thị trường chứng khoán trong nước ngày hôm qua tiếp tục đà giảm mạnh. Các cổ phiếu Ngân hàng ACB, EIB, STB tiếp tục bị bán ở mức sàn. Sức ảnh hưởng từ thông tin ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB bị bắt vẫn tiếp tục gây tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. 

Ngay khi mở cửa hôm qua (22-8), chỉ số Vn-Index đã tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra. Theo đánh giá của các chuyên gia, thông tin “bầu” Kiên bị bắt đã gây ảnh hưởng xấu không chỉ tới nhóm cổ phiếu ngân hàng mà có tác động tới toàn thị trường, các nhà đầu tư cũng tỏ ra e dè hơn. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. 

Tính đến cuối phiên chỉ số Vn-Index giảm 6,61 điểm về mức 410,23 điểm (tương đương 1,59% so với thời điểm đóng cửa phiên hôm trước). Mặc dù vậy, số mã chứng khoán giảm giá, nhất là giảm sàn không có dư mua vẫn rất lớn. Tại thời điểm đóng cửa có 190 mã giảm giá, 55 mã tăng giá, tổng giá trị khớp lệnh sàn HOSE đạt 1.052 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn chịu tác động khá nặng nề từ thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, trong đó hai cổ phiếu được cho là có liên quan là STB, EIB được bán ra ồ ạt, nhưng không có cầu. Toàn phiên, EIB khớp được 48.580 cổ phiếu, STB khớp 127.870 cổ phiếu. 

Trên HNX, chỉ số HNX-Index khi kết thúc vẫn mất 3,44%, giảm về 64,65 điểm, với tổng giá trị khớp lệnh 535 tỷ đồng. Cổ phiếu ACB tiếp tục bị bán ra, với 893.500 cổ phiếu dư bán giá sàn (giảm 1.600 đồng tương đương 6,6% xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu), tổng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 688.900 cổ phiếu.

Chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán nhận định: “Thị trường dường như đã phản ứng quá mức trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Nhiều mã chứng khoán tốt không liên quan đến các công ty mà ông Kiên là cổ đông cũng đua theo đà giảm. Mặc dù thị trường đã phần nào lấy lại cân bằng nhưng những nhà đầu tư có ý định bắt đáy vẫn nên cẩn trọng”.