Ngăn "gieo mầm" chủ nghĩa cực đoan

ANTD.VN - Những vụ tấn công khủng bố liên tiếp tại châu Âu đã luôn đặt nước Anh vào tình thế phải cảnh giác cao độ trước những âm mưu khủng bố do các phần tử bị tiêm nhiễm tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan gây ra.

Một buổi cầu nguyện của tín đồ Hồi giáo trong nhà tù ở Anh

Chính phủ Anh ngày 22-8 đã công bố một kế hoạch nhằm đối phó với vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong các nhà tù tại nước này. Giải thích về biện pháp được xem là đi ngược lại với những giá trị truyền thống của Anh, Bộ Tư pháp nước này tuyên bố chủ nghĩa cực đoan trong nhà tù đang là mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh và cần phải giải quyết như một ưu tiên cấp thiết hàng đầu.

Kế hoạch trên được nước Anh đưa ra trong bối cảnh không chỉ Xứ sở Sương mù mà cả châu Âu đang rơi vào cơn khủng hoảng khi phải chứng kiến hàng loạt vụ tấn công với mức độ dã man, tàn bạo. Điều đáng nói là hầu hết những kẻ gây ra các vụ tấn công chấn động này không phải là những kẻ khủng bố chuyên nghiệp được các tổ chức khủng bố khét tiếng huấn luyện, đào tạo kỹ lưỡng mà lại là những “con sói đơn độc” bị nhồi nhét bởi tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Để ngăn chặn và tiến tới giành chiến thắng trong cuộc chiến cam go và lâu dài chống khủng bố, các nước châu Âu cần phải ngăn chặn được sự phát triển của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngay tại đất nước mình. Như cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng kêu gọi, tất cả mọi người phải cùng hợp lực để đánh bại chủ nghĩa cực đoan bởi đây là một cuộc chiến lớn mà nước Anh phải tham gia và “những người anh chị em Hồi giáo” ở Anh đang “cần sự giúp đỡ để chống lại chủ nghĩa cực đoan”.

Dù sau vụ tấn công năm 2003 tới nay, Anh chưa phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố đẫm máu, song chủ nghĩa cực đoan là một vấn đề mà quốc gia này không thể xem thường.

Điều đó có thể thấy qua việc nước Anh từng chấn động thế nào khi biết tên đao phủ khát máu “John thánh chiến” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chính là Mohammed Emwazi, lớn lên ở Anh và tới Syria để gia nhập IS theo “tiếng gọi” của chủ nghĩa cực đoan; hay trường hợp 3 nữ sinh Kadiza Sultana, Amira Abase và Shamima Begum cùng mới 15 tuổi đã trốn nhà tới Syria để gia nhập IS…

Chính vì thế mà báo chí Anh hồi tháng 8 vừa qua đã cho biết, có một chương trình định hướng mà chính phủ nước này thực hiện để ngăn chặn nguy cơ thanh niên Hồi giáo gia nhập các nhóm cực đoan. Chương trình được Đơn vị Nghiên cứu, Thông tin và Truyền thông (Ricu) thuộc Bộ Nội vụ Anh điều hành nhằm chống chủ nghĩa cực đoan ảnh hưởng trong giới trẻ, vốn là đối tượng dễ bị lôi kéo như tổ chức buổi đối thoại về đề tài chống cực đoan tại các trường học, vạch rõ tội ác man rợ của IS, ngăn ngừa giới trẻ trở thành những phần tử đánh bom liều chết…

Trong môi trường mà chủ nghĩa cực đoan càng dễ xâm nhập hơn như nhà tù, chính quyền Anh đã phải lên hẳn một kế hoạch riêng để dùng mọi biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, trong đó có việc tách riêng những đối tượng cực đoan khỏi phòng giam chung, theo dõi chặt chẽ hơn những giáo sĩ trong tù cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động liên quan tới lễ thánh… Chính phủ cũng đã thành lập thêm một cơ quan an ninh, trật tự và chống khủng bố mới với nhiệm vụ triển khai kế hoạch chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nhà tù.