Ngăn "cơn ác mộng" Catalonia lan rộng

ANTD.VN - Tuyên bố của Chủ tịch Nghị viện châu Âu A. Tajani rằng không ai trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ công nhận Catalonia là một nước độc lập cùng những biện pháp mạnh tay của Madrid cho thấy châu Âu quyết ngăn chặn nguy cơ ly khai có thể lan rộng trên lục địa này.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani tuyên bố không nước EU nào ủng hộ việc Catalonia li khai

Phát biểu với báo giới, ông A. Tajani khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng Catalonia là bất hợp pháp và chính quyền Madrid đã làm đúng khi kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử mới ở Catalonia. Ông cũng khẳng định lập trường của EU là không công nhận Catalonia là nước độc lập, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng đối thoại có thể giúp giải quyết tình hình khó khăn hiện nay. 

Trên thực tế, ngày càng có thêm nhiều nước, đặc biệt là tại châu Âu, lên tiếng phản đối việc cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Sau khi khẳng định tôn trọng và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tây Ban Nha, các nước như Áo, Bỉ, Litvia, Pháp, Malta, Serbia… đều coi tuyên bố độc lập đơn phương của vùng Catalonia là “bất hợp pháp” và nêu rõ cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha hiện nay cần phải được giải quyết phù hợp với trật tự hiến pháp của nước này.

Quyết tâm rời bỏ Tây Ban Nha của xứ Catalonia khiến châu Âu “đau đầu” bởi vài năm trở lại đây, phong trào đòi quyền độc lập tăng cao tại khu vực này. Trước đó, vào năm 2014, một cuộc trưng cầu dân ý Scotland độc lập đã diễn ra nhưng rất may cuối cùng có 55% số người được hỏi đã chọn ở lại. Nước Pháp lâu nay thì luôn căng thẳng bởi phong trào ly khai ở xứ Basque hay trên đảo Corse. Nếu xứ Catalonia đòi độc lập thành công thì đó có thể tạo thành tiền lệ nguy hiểm làm dấy lên cơn sốt ly khai trên khắp châu Âu. Đây chính là điều mà nhiều lãnh đạo các nước châu Âu đang lo ngại.

Với Liên minh châu Âu (EU), không được dập tắt việc Catalonia ly khai sẽ là thảm họa với tương lai của khối liên kết này. Bàn về vấn đề này, ông D. Dungaciu - chuyên gia chính trị, quan hệ quốc tế Rumani cho rằng “việc thừa nhận Catalonia độc lập sẽ tạo ra một tiền lệ kinh khủng trong EU. Các phong trào đòi ly khai có ở khắp nơi trong các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thấy một tấm gương sử dụng công cụ dân chủ để đạt mục tiêu ly khai”. Còn tờ The Globe and Mail cho rằng “cuộc đảo chính nhằm vào nền dân chủ Tây Ban Nha chính là một cuộc đảo chính đối với châu Âu”.

Từ góc độ kinh tế, theo nhà kinh tế học Geoffrey Minne, cũng giống như Brexit (Anh rời khỏi EU), việc Catalonia tách ra khỏi Tây Ban Nha và EU sẽ khiến khu vực rơi vào một quãng thời gian hoang mang kéo dài và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với khu vực tư nhân. Hiện nay, Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Những bất ổn ở Catalonia sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Tây Ban Nha và đương nhiên là kinh tế của Eurozone nói chung. Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài.

Catalonia ly khai chắc chắn sẽ là cơn ác mộng với Tây Ban Nha và EU. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Madrid tỏ ra mạnh tay trong biện pháp đối phó, còn EU thể hiện thái độ cương quyết phản đối. Trước mắt, việc Thủ tướng Tây Ban Nha M. Rajoy giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và cách chức lãnh đạo vùng này đã tạm thời ngăn không cho Catalonia có thêm các hành động cực đoan. Nhưng làm sao kiểm soát được cuộc bầu cử địa phương trước thời hạn sắp tới tại khu vực này không hướng chiều ly khai mới là thách thức với Tây Ban Nha và châu Âu.