Ngăn chặn xung đột vì một thế giới bình yên

ANTD.VN - Liên hợp quốc một lần nữa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay, dốc sức ngăn chặn bạo lực vì một thế giới bình yên và tốt đẹp hơn nhân dịp kỷ niệm tròn 10 năm Ngày Quốc tế phi bạo lực (2-10).

Ngăn chặn xung đột vì một thế giới bình yên ảnh 1Biểu tượng phi bạo lực tại trụ sở Liên hợp quốc 

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 72, ông Miroslav Lajcak ngày 2-10 lên tiếng cảnh báo, trong thế giới hiện nay, nhiều đối tượng lựa chọn bạo lực làm “công cụ” và sự lựa chọn này đang hàng ngày gây ra sự hủy diệt và thương vong cho con người. Trước thực trạng này, người đứng đầu Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu rõ tổ chức lớn nhất hành tinh chú trọng việc sử dụng các công cụ phi bạo lực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ dựa trên 3 trụ cột - hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển và quyền con người; đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực để ngăn chặn xung đột.  

Những cam kết và kêu gọi trên được Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày cơ quan này quyết định lấy ngày 2-10 hàng năm làm Ngày Quốc tế phi bạo lực nhằm thúc đẩy hòa bình, lòng bao dung, sự thấu hiểu và tinh thần phi bạo lực thông qua giáo dục và nhận thức của cộng đồng. Tròn 10 năm trước, ngày 2-10-2007, Liên hợp quốc đã chọn ngày sinh của Mahatma Gandi      (2-10-1869) - người mà tư tưởng “Phi bạo lực là sức mạnh vĩ đại nhất của con người” đã có ảnh hưởng to lớn tới thế giới, là Ngày Quốc tế phi bạo lực.   

Liên hợp quốc quyết định chọn Ngày Quốc tế phi bạo lực trong bối cảnh nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI được gần một thập niên nhưng chiến tranh, xung đột bạo lực vẫn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, đẩy hàng chục triệu người phải ly hương lánh nạn, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ USD mỗi năm. Bạo lực và chiến tranh gây tổn thất khủng khiếp đến thế mà nhiều đối tượng trên thế giới vẫn lấy đó để làm “công cụ” thực hiện các tham vọng và mục đích của mình.  

Ngăn chặn xung đột vì một thế giới bình yên ảnh 2Trẻ em Syria dâng biểu ngữ chấm dứt giết hại người dân vô tội trong các cuộc chiến tại quốc gia này

Suốt 10 năm qua, cũng như trước đó, Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực không mệt mỏi, hy sinh lớn lao để ngăn chặn bạo lực, xung đột và chiến tranh như làm trung gian hòa giải các tranh chấp, xung đột hay áp dụng các biện pháp mạnh trừng phạt để ngăn chặn bạo lực leo thang… Bản thân Liên hợp quốc cũng tổ chức 16 phái bộ gìn giữ hòa bình (gồm hơn 84.500 binh sĩ và quan sát viên quân sự, hơn 11.900 cảnh sát, hơn 7.700 nhân viên dân sự quốc tế, hơn 9.400 nhân viên địa phương và hơn 1.500 tình nguyện viên Liên hợp quốc) với sự đóng góp nhân lực, vật lực của 124 quốc gia trên thế giới để thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình khắp thế giới. 

Một thập kỷ sau ngày Liên hợp quốc chọn Ngày Quốc tế phi bạo lực nhìn lại có thể thấy người dân rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn chìm đắm trong đau thương bởi bạo lực. Con số thương vong vì xung đột trên thế giới dù có xu hướng giảm nhưng vẫn khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm.

Theo báo cáo “Điều tra xung đột vũ trang 2017” được Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) công bố hồi tháng 5 vừa qua, số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột năm 2016 giảm xuống còn 157.000 người, so với 167.000 người của năm 2015 và 180.000 người năm 2014, trong đó riêng cuộc chiến tại Syria đã khiến 50.000 người chết. Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, có đến gần 66 triệu người trên thế giới phải chạy nạn trong năm 2016 do xung đột và bạo lực.  

Con đường đi tới một thế giới phi bạo lực vì thế còn rất dài và đầy chông gai, song ông Miroslav Lajcak nhấn mạnh: “Trung gian hòa giải là công cụ phi bạo lực hữu hiệu nhất” để đưa các bên khỏi xung đột, hướng tới sự hòa giải. Dùng các biện pháp phi bạo lực để chấm dứt hoặc ngăn chặn xung đột, theo ông Miroslav Lajcak, sẽ là một trọng tâm chính trong suốt khóa họp thứ 72 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.