Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần,"ngáo đá" (1): Những vụ việc kinh hoàng

ANTD.VN - Việc người mắc bệnh tâm thần, người nghiện ma túy gây án khi lên cơn “ngáo” xảy ra với tần suất lớn hơn trong thời gian qua, gây nên nỗi lo sợ ám ảnh cho cộng đồng. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, việc làm rõ bản chất cũng như cơ chế hình thành của nó đóng vai trò rất quan trọng. 

Các đối tượng “ngáo đá” thường xuất hiện những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác… 

Ma túy “đá” biến người thành ác quỷ

PGS.TS, Bác sỹ, Đại tá Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết: Ma túy tổng hợp (ATS) là những chất ma túy nguy hiểm nhất. Thậm chí, nhiều trường hợp nghiện ma túy nặng còn dẫn đến tâm thần phân liệt và 1/3 số người bị lệ thuộc có triệu chứng loạn thần.

Các rối loạn tâm thần thường gặp khi sử dụng ATS là lo âu, trầm cảm, kích động, suy giảm nhận thức, đặc biệt là các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, hoảng loạn, sợ bị truy hại và sợ bị giết, rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực. Đó chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Như tin ANTĐ đã đưa, trong buổi chiều 7-12, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, anh N.T.T (24 tuổi), một người nghiện ma túy “đá” đã dùng dao tự đâm mình nhiều nhát vào bụng dẫn đến tử vong. Một số nhân chứng chứng kiến sự việc cho biết, anh N.T.T có biểu hiện “ngáo đá” đi vòng quanh các sạp bán thịt lợn. Anh này la hét liên tục và bất ngờ lột hết quần áo. Ngay sau đó, anh ta lao vào một sạp hàng giật con dao trên tay chủ bán thịt rồi tự đâm vào bụng nhiều nhát và ngã xuống chết tại chỗ. 

Tối 21-11, tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, V.D.T (SN 1966), một đối tượng nghiện ma túy “đá” đã cầm dao tông đuổi vợ con dọa giết. Vợ V.D.T cùng con trai trốn vào một nhà hàng xóm, T không tìm thấy vợ đã về nhà cố thủ, đập vỡ cốc thủy tinh tự đâm vào tay, chân.

Khi lực lượng công an cơ sở đến đề nghị mở cửa, đưa đi cấp cứu, người đàn ông này còn định lắp cung tên với những mũi tên bằng sắt được chuẩn bị từ trước tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Sau nhiều giờ thương lượng, chỉ huy CAP Minh Khai mới đưa được V.D.T đi cấp cứu tại Bệnh viện 19-8. 

Trước đó, ngày 10-11, tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, TP Cần Thơ, một kỹ thuật viên vật lý trị liệu của bệnh viện này đã tự cắt cụt chân, rồi gọi điện báo cho đồng nghiệp mình bị mất chân trái khi ngủ dậy. Qua điều tra, bước đầu Công an TP Cần Thơ xác định đối tượng là P.D.K (27 tuổi) có biểu hiện mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) cộng với việc có sử dụng ma túy “đá” gây ảo giác, nên đã tự hủy hoại thân thể. 

Theo một nghiên cứu khoa học của các chuyên gia Vương quốc Anh, người nghiện ma túy có xu hướng bạo lực gây án nghiêm trọng cao gấp 9 lần người bình thường. Con số này cho thấy nguy cơ rất lớn của việc không quản lý người nghiện ma túy và đưa đi cai nghiện bắt buộc, để họ sống bên ngoài xã hội.

Khó kiểm soát người tâm thần gây án

Nếu như người nghiện ma túy gây bạo lực tới mức chết người cao gấp 9 lần so với người bình thường, thì người mắc bệnh tâm thần cũng tăng gấp 4,9 lần khả năng gây án so với người bình thường. 

Vụ án chấn động vừa xảy ra tại tỉnh Hà Giang mới đây nhất, liên quan đến người tâm thần gây án lại một lần nữa cảnh báo các cơ quan chức năng về việc quản lý người tâm thần sống tại cộng đồng. Phù Minh Tuấn, đối tượng chính khi lên cơn tâm thần đã chém chết 4 người, trong đó có cả bố đẻ của mình và đây không phải là lần đầu tiên Tuấn gây án.

Theo CAH Quang Bình, tỉnh Hà Giang, Phù Minh Tuấn có tiền sử bị bệnh tâm thần và được đưa đi chữa bệnh bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Ngày 7-7, Tuấn được cho xuất viện. Trước đó vào tháng 1-2015, Phù Minh Tuấn cũng từng dùng dao chém chết con đẻ của mình. 

Hàng loạt vụ việc giết người man rợ có liên quan đến người bệnh tâm thần gần đây đã gây chấn động xã hội, làm cho cộng đồng hoang mang. Gần đây nhất là vụ người chú tâm thần cắt “của quý” cháu bé 3 tuổi, may mắn các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu chữa kịp thời. Và vừa mới đây một đối tượng ở tỉnh Thái Nguyên từng đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã chém tử vong chị gái và anh rể... 

Theo các chuyên gia Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, các vụ trọng án liên quan đến người tâm thần đang có xu hướng gia tăng. “Những thay đổi về giám định pháp y tâm thần lại đang gây khó khăn cho công tác tố tụng. Bên cạnh đó, kinh phí mua thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần đang bị cắt giảm nhiều, khiến nguy cơ phạm tội từ người tâm thần ngày càng lớn hơn”, bác sỹ Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương cho biết. 

Hành vi phạm tội của bệnh nhân tâm thần là hiện tượng rất phổ biến, đa dạng, từ các tội nhỏ đến các tội nghiêm trọng. Không ít bệnh nhân tâm thần có hành vi tấn công gây chết người, gây tai nạn hoặc tự tử... Nạn nhân của bạo lực do bệnh nhân tâm thần gây ra còn có các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở phòng khám bệnh viện chuyên khoa. Ở các bệnh viện tâm thần, tỷ lệ y - bác sĩ là nạn nhân của bệnh nhân chiếm khoảng 7%, so với 1% tại các cơ sở y tế chuyên khoa khác.

Ngày nay, bệnh nhân tâm thần được quản lý và điều trị theo quan điểm “mở”, hay “hệ thống mở”. Phương pháp này có thể sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, nhưng đồng thời cũng sẽ  tăng nguy cơ những người này gây án, nhất là những vụ án nghiêm trọng. 

Kỳ 2: Nhận diện người “ngáo đá”, tâm thần