Ngăn chặn “virus tin giả” trong “cuộc chiến” chống đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù cơ quan chức năng đã cương quyết, mạnh tay xử lý và tình trạng thông tin thất thiệt liên quan tới dịch bệnh Covid-19 cũng giảm khá nhiều so với khi mới bùng phát ở nước ta, song, tin giả (Fake News) vẫn là một vấn nạn, có thể gây tác hại, hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân đăng tin sai sự thật về đại dịch Covid-19 trên mạng xã hội

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân đăng tin sai sự thật về đại dịch Covid-19 trên mạng xã hội

Hệ lụy khôn lường của tin giả trong dịch bệnh

Trước những diễn biến rất phức tạp, khó lường của đợt dịch thứ tư, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương cũng như mỗi người dân đều vào cuộc với quyết tâm cao độ, nhằm sớm kiểm soát, dập đợt dịch nguy hiểm này, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong lúc “chống dịch như chống giặc” này, mọi thông tin về dịch bệnh, đặc biệt là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cùng các cấp, ngành địa phương về dịch bệnh đều được người dân quan tâm, theo dõi sát sao.

Việc thế giới ghi nhận, đánh giá cao, người dân tín nhiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông. Có thể nói, công tác truyền thông, báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này.

Trên “mặt trận” truyền thông, báo chí, trên Internet với các tờ báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội… đã cập nhật kịp thời thông tin dịch bệnh, chỉ đạo điều hành, công tác phòng, chống dịch với những tin thức nóng hổi, bài viết phân tích hay, sâu sắc, đa chiều và bổ ích, giúp người dân cập nhật tình hình và chủ động phòng tránh bệnh dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn không ít những thông tin, bài viết không chính xác, sai sự thật, thậm chí thêu dệt, bịa đặt nhằm mục đích “câu khách”, “câu view”, “câu like”.

Mới đây nhất, ngày 27-6, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng sau khi làm việc với các cơ quan chức năng đã khẳng định, thông tin “có 40 ca dương tính tại huyện Vĩnh Bảo” lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật. Các cơ quan chức năng đề nghị Công an TP Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác minh, điều tra cá nhân đã phát tán, chia sẻ thông tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Đầu tháng 5 vừa qua, khi đợt dịch thứ tư mới bùng phát với diễn biến nhanh, phức tạp, TP Hà Nội đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường để góp phần phòng, chống dịch bệnh, thế nhưng, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin sai sự thật, đồn thổi về việc “thành phố bị phong tỏa”. Đây là thông tin thất thiệt gây hoang mang, lo lắng cho người dân; ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch của thành phố.

Chính vì thế, người lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã phải trực tiếp lên tiếng khẳng định “không có chuyện phong tỏa thành phố vào thời điểm hiện nay như một số thông tin đồn thổi”. Ông nêu rõ, Hà Nội chỉ khuyến cáo người dân “hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với cơ quan chức năng để đẩy lùi dịch bệnh”.

Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 là một chủ trương đúng đắn, được người dân đồng tình, ủng hộ cũng như được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá là “thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch”. Thế nhưng, cũng cũng có không ít những thông tin sai lệch, thiếu chính xác, xuyên tạc, ảnh hưởng tới nỗ lực chung nhằm huy động tinh thần “tương thân tương ái”, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong đại dịch của người dân.

Mạnh tay “diệt” tin giả về dịch bệnh

Đây không phải là lần đầu tiên tin giả, thông tin xấu, độc về dịch bệnh Covid-19 len lỏi trong dòng chủ lưu thông tin tích cực trên mạng xã hội tại Việt Nam. Cơ quan chức năng như Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cùng các cơ quan chức năng ở địa phương đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt liên quan đến tình hình dịch Covid-19 ở nước ta.

Việc đưa tin giả, tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cẩn trọng khi tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông, vô tư chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc và tính chính xác của thông tin. Một mặt do người dùng mạng xã hội phần nào thiếu trách nhiệm, muốn “câu like”, “câu view” để được nổi tiếng hay nhằm mục đích bán hàng online

Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng tung tin giả, tin thất thiệt, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt là chiêu bài có kịch bản của các thế lực thù địch, phản động với âm mưu thâm hiểm là gây hoang mang, lo lắng, tạo bất ổn trật tự xã hội, gây khó khăn và phá hoại các nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 vốn rất thành công của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng chính là một hướng tấn công trong chiến lược diễn biến hòa bình xuyên suốt của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị. Cần phải vạch mặt chỉ tên âm mưu thâm hiểm này, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo pháp luật.

Con virus quái ác SARS-CoV-2 lan tràn, gây đại dịch toàn cầu nhưng còn có con virus khác cũng rất nguy hại là “virus tin giả” ăn theo. Dù chỉ tác động vào tâm lý, tư tưởng, tỉnh cảm của con người song, tác hại mà nó mang lại cũng không kém phần nguy hiểm với những hệ lụy khôn lường, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bất ổn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là các biện pháp chống dịch vốn rất cần sự thấu hiểu, chung sức đồng lòng của người dân.

Chính từ sự nguy hại đó, các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ, xử lý kịp thời và nghiêm minh những tin giả, tin thất thiệt, xấu, độc về dịch Covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mỗi tháng, các bộ phận chức năng của Bộ này đã gỡ bỏ hàng nghìn video xấu, độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu, độc; tỷ lệ tháo gỡ video của YouTube lên đến 90%.

Từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt là 270 triệu đồng. Trong đó, ngày 10-5, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phạt 12,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bài viết sai sự thật đối với anh T.V.D. (SN 1982, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi sử dụng tài khoản Facebook có tên “Hà Nội phố” để đăng tin “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa” kèm 1 video về trải nghiệm đường phố Hà Nội ngày 4-5-2021.

Để mạnh tay hơn với thông tin độc hại, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an các địa phương tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, Zalo…, đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.