Ngăn chặn vi phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cải cách không ngừng, cả nước sau hơn 30 năm đã có một số kết quả đáng ghi nhận về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Cảnh báo kẽ hở và vi phạm khi sử dụng nguồn lực đất đai

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối; Tỷ lệ thoái vốn Nhà nước chỉ đạt dưới 10% tổng số vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Thực tiễn đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều hình thức đa dạng và hậu quả nặng nề trong kẽ hở và vi phạm quy định quản lý nguồn lực đất đai, thông qua giao, cho thuê, liên kết kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và sự tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù đất thu hồi của dân. Những hành vi đó, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm trong nhiều ngành, địa phương và cấp độ quản lý, không chỉ làm tổn hại, thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách Nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh thị trường lành mạnh; mà còn gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp, tụ tập phản đối đông người, đe dọa làm mất uy tín và giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng bức xúc và bất đồng thuận, căng thẳng và mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Quá trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và có hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích, chống lợi ích nhóm và trục lợi các kẽ hở trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 12, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3-6-2017.

Theo đó, cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp Nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu…) trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường. Bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn Nhà nước… bán cổ phần, thoái vốn một cách công khai, minh bạch, chủ yếu thông qua bán đấu giá cạnh tranh trên thị trường. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán...

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước… Việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Sử dụng có hiệu quả chính sách thuế, phí gắn với nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đất đai một cách ổn định. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa…

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh và đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh rà soát và thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch; bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Những diện tích đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục sử dụng đã được tính toán, hướng dẫn bảo đảm phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành.

Hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu…) trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch

Hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu…) trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát kiểm toán

Thực tế đòi hỏi tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực kiểm toán đất đai nói riêng và toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trước, trong và sau cổ phần hóa nói chung; nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi, sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, coi trọng và tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng phát triển cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động). Cùng với việc đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, trong đó tập trung kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề về tài chính và định giá doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; hoạt động của doanh nghiệp cổ phần hóa, kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO); kết quả thoái vốn Nhà nước.

Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm cá nhân trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đề cao kỷ luật chấp hành chỉ đạo trong công tác cổ phần hóa của các bộ, ngành và địa phương; tăng cường minh bạch thông tin và cụ thể hóa cơ chế tính giá trị, nghĩa vụ và quyền sử dụng đất đai, khắc phục tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm và ngại bộc lộ nhiều “vùng tối” về các mối quan hệ pháp lý, đất đai, nợ nần và quyết toán tài chính của doanh nghiệp Nhà nước. Xử lý nghiêm những cá nhân không thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp Nhà nước.

Có quy định cụ thể hơn về xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa như: Bổ sung hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động; Xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; Điều chỉnh lại số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị doanh nghiệp…

- Các doanh nghiệp Nhà nước đã giảm số lượng từ hơn 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 1990 thế kỷ trước xuống hiện còn hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

- Theo kế hoạch, năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 doanh nghiệp Nhà nước có 100% vốn Nhà nước.

- Nhiều doanh nghiệp Nhà nước quy mô rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng Công ty: Phát điện 3, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn... đã được cổ phần hóa và trở thành những điểm sáng, khi mà số lượng cổ phiếu IPO đều được bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Nhiều thương vụ thoái vốn lớn đạt hiệu quả cao, như thoái vốn tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk...