Ngăn chặn tội phạm "tín dụng đen" len lỏi vào khu công nghiệp và các miền quê

ANTD.VN - Thời gian gần đây, ngành công an và ngân hàng đã có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để đấu tranh với nạn “tín dụng đen”. Tội phạm về lĩnh vực này tuy đã bị kiềm chế phần nào, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp khi chúng bắt đầu chuyển hướng len lỏi về các miền quê… 

Dù lãi suất “cắt cổ” nhưng hiều người vẫn tìm đến tín dụng đen vì dễ tiếp cận

Vay “tín dụng đen” vì mục đích bất hợp pháp

Theo thống kê được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội, năm 2018, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó khởi tố 34 vụ (với 66 bị can) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 và 2.353 vụ án khác có liên quan (gồm 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”).

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an cũng đã triệt phá 933 băng nhóm tội phạm. Riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16-12-2018 đến 15-2-2019 đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, các cơ quan công an đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, xiết nợ, đòi nợ thuê. Tuy nhiên, đây mới là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Tại nhiều địa phương, vòi bạch tuộc “tín dụng đen” đã xâm nhập, làm tan nát nhiều gia đình khi chỉ từ một khoản vay nhỏ nhưng bị tính lãi gấp nhiều lần, khiến người vay không còn khả năng trả nợ.

Về phía ngành ngân hàng, từ thực tế khảo sát thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, có hai nhóm đối tượng thường tìm đến “tín dụng đen”. Nhóm thứ nhất là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống. Qua khảo sát thực tế, đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại do có thu nhập thấp, công việc không ổn định, là người lao động từ các địa phương khác di cư đến nên khó xác định yếu tố pháp lý. 

Một trong những lý do mà nhiều người Việt ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, “tín dụng đen” lại quá dễ tiếp cận khi các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không cần chứng minh thu nhập được quảng cáo khắp các ngõ ngách, đường phố.

Theo Tiến sỹ, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc người dân tìm đến “tín dụng đen” là do sự chênh lệch tương đối lớn giữa thành thị và nông thôn; giữa miền núi xa xôi hẻo lánh với khu vực trung tâm. Ở đó, mức độ hiểu biết và thái độ của người dân với tiền tệ và tài chính rất khác nhau khiến họ vẫn dựa vào “tín dụng đen”, hoặc đi vay từ người quen hơn là tiếp cận ngân hàng.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cung cấp số liệu từ StoxPlus thống kê cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Một trong những lý do mà nhiều người Việt ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, “tín dụng đen” lại quá dễ tiếp cận khi các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không cần chứng minh thu nhập được quảng cáo khắp các ngõ ngách, đường phố.

Bước vào cuộc chiến cam go

Cũng theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, để giải quyết “tín dụng đen” thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp, trong đó cần phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng. Theo đó, cần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng; hoàn thiện khung pháp lý về vay tiêu dùng. Đặc biệt, cần phải có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như giáo dục tài chính…

Để “tuyên chiến” với tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12. Tại kế hoạch này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các vụ, cục chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân… Hệ thống ngân hàng phải quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật… Thống đốc yêu cầu các vụ, cục, các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và bộ, ngành liên quan khác nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”…

Trước đó, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh các sản phẩm cho vay phục vụ người dân, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đơn cử như chương trình tín dụng 5.000 tỷ đồng của Agribank, ngân hàng này cũng đã thí điểm cho vay các mục đích hiếu hỷ, ốm đau bệnh tật, đóng học phí… tại một số địa phương. Agribank cũng đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng tại các địa bàn không hoặc ít có sự hiện diện của điểm giao dịch ngân hàng.

Còn Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… Dù vậy, cuộc chiến đẩy lùi “tín dụng đen” sẽ vẫn còn cam go, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ ngành và toàn xã hội, trong đó chủ lực là ngành ngân hàng và công an. 

Về phía lực lượng công an, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Điều này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng không còn manh động, công khai như trước.