Ngăn chặn thông tin xấu độc với trẻ em trên môi trường mạng

ANTD.VN - Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025 sẽ hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em bằng công nghệ.

Cần sân chơi lành mạnh cho trẻ em trên môi trường mạng

Tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em trên môi trường mạng

Với định hướng bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, đặc biệt sử dụng lợi thế của CNTT-TT hỗ trợ nền tảng kỹ thuật, Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan liên quan: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025.

Ban soạn thảo Đề án cho biết, triển khai ứng dụng công nghệ là trọng tâm của Đề án. Đồng thời, tiếp tục các giải pháp truyền thống gồm có: hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cung cấp nội dung bổ ích, thú vị cho việc học tập và giải trí và trang bị “bộ kỹ năng số” cho trẻ em để chủ động tương tác tích cực trên môi trường mạng.

Đặc biệt, Đề án cũng đề xuất hình thành trung tâm tư vấn và mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng. Trung tâm tư vấn thực hiên công tác hỗ trợ giúp trẻ phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại, xâm phạm trên môi trường mạng.

Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng phối hợp với các đầu mối trong nước, ASEAN và quốc tế để tiếp nhận thông tin, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoặc hỗ trợ ngăn chặn các vụ việc nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Những giải pháp nêu trên góp phần quan trọng trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, tập trung phát triển kỹ năng thiết thực, bổ ích cho nguồn nhân lực số, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước trong giai đoạn mới.

Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% học sinh tiểu học, trung học cơ sở được hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về: Sử dụng mạng bổ ích, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng; và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;

100% cha mẹ, giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở được tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, hỗ trợ và cung cấp, tiếp cận các phải pháp để định hướng con em mình tương tác lành mạnh trên môi trường mạng;

100% các trường tiểu học, trung học cơ sở và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho để trẻ em biết cách nhận diện các nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng; xây dựng biện pháp, tạo điều kiện cho trẻ truy cập, tiếp cận các nội dung, chương trình về cách nhận biết và cách phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng lên trang thông tin điện tử của nhà trường, cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng.

Theo dự kiến ban đầu, Đề án cũng đặt mục tiêu 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ can thiệp khi có nhu cầu; 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, để giúp trẻ em tiếp cận thông tin lành mạnh, phù hợp với độ tuổi, Đề án đặt mục tiêu 100% trang tin điện tử có tên miền “.vn” được phân loại nội dung theo độ tuổi và được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu mở về nội dung trên môi trường mạng theo độ tuổi;

Có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo trên môi trường mạng được phổ biến áp dụng vào các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và ít nhất 3 sản phẩm, dịch vụ học trực tuyến do Việt Nam làm chủ công nghệ dành cho trẻ em trong hệ thống đào tạo quốc dân.

Bảo vệ trẻ em là vấn đề cấp bách

Ông Hoàng Minh Tiến- Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án cho hay, theo thống kê của tổ chức NCMEC (Mỹ) tổng hợp với các quốc gia ASEAN, 706.435 là số vụ báo cáo liên quan tới Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng.

Việt Nam chỉ được đánh giá đạt 1/5 tiêu chí theo đánh giá 2018 của ICMEC đối với 161 quốc gia, vùng lãnh thổ đối với vấn đề CSAM. Đồng thời, Việt Nam cũng được đánh giá thuộc nhóm quốc gia có mức độ bảo vệ trẻ em trực tuyến thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Nga- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được đánh giá hiện vẫn còn khá nhiều bất cập. Ngoài bối cảnh chung của quốc tế, trẻ em Việt Nam bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian qua với diễn biến và thủ đoạn tinh vi, hậu quả gây ra cho trẻ em khá nhiều.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng ban soạn thảo Đề án cho rằng, Đề án cần tạo được sự kết nối giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội để xây dựng được hệ sinh thái phù hợp với nhận thức, lứa tuổi của trẻ em, từ đó tạo ra sân chơi, sức hút lành mạnh cho trẻ khi hoạt động, tương tác trên môi trường mạng.