Ngăn chặn thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19 làm nóng Hội nghị G-20

ANTD.VN - Mặc dù số người nhiễm mới và tử vong tại Trung Quốc do virus Covid-19 đã có xu hướng giảm bớt so với những ngày trước, nhưng ngăn chặn thiệt hại do dịch thế nào thì vẫn là câu hỏi khó và đó cũng là mối quan tâm chính của Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20).  

Ngăn chặn thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19 làm nóng Hội nghị G-20 ảnh 1Đối phó với dịch Covid-19 là chủ đề chính tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính G-20 tại Riyadh

Nhiều ngành kinh tế “gặp họa” bởi Covid-19

Diễn ra trong 2 ngày (22 và 23-2) tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Hội nghị G-20 lần này với sự tham gia của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương các nước thành viên phải bàn thảo và đưa ra một kế hoạch hành động nhằm bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước tác động của sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19).

Chưa có mối đe dọa Covid-19, kinh tế thế giới cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 1 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 3,3%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 2009.

Tình hình hiện nay còn ảm đạm hơn, khi IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,1-0,2% so với mức dự báo trước đó. Với quy mô được đánh giá như một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, Covid-19 có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế vĩ mô của thế giới khi làm đình trệ các hoạt động sản xuất, khiến hoạt động đi lại của người dân và hàng hóa lưu thông gặp khó khăn, cũng như làm gián đoạn các chuỗi cung cấp.

Có thể kể ra nhiều ví dụ. Kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, du lịch thế giới bị coi là “gặp họa”. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới, tăng vọt từ 4,5 triệu người vào năm 2000 lên 150 triệu người vào năm 2018. 

Chính vì thế, sự tụt giảm nhanh chóng của lượng du khách Trung Quốc đã khiến các ngành du lịch và hàng không nhiều nước lao đao. Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du khách Trung Quốc là nhóm chi tiêu du lịch nhiều nhất thế giới, chiếm tới 16% tổng chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu hiện nay, tương đương 277 tỷ USD. Riêng tại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đóng góp tới 51% doanh thu du lịch của khu vực.

Ngoài du lịch và hàng không, Covid-19 còn dẫn đến sụt giảm trong tiêu dùng, giá cả cũng như một số hiệu ứng dây chuyền trong thị trường tài chính, đầu tư. Chẳng hạn, nhu cầu đối với dầu mỏ tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á giảm có thể đẩy giá dầu xuống mức dưới 57 USD/thùng, phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Đông vốn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ.

Các kịch bản xấu với nền kinh tế thế giới

Trước khi Hội nghị G-20 tại Riyadh diễn ra, Hãng tư vấn về kinh tế Oxford Economics đã đưa ra hai kịch bản về triển vọng kinh tế thế giới dưới tác động của dịch Covid-19. Trong kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh chỉ lan rộng tại châu Á và diễn ra trong ngắn hạn, GDP của thế giới sẽ giảm 400 tỷ USD trong năm nay, tương đương 0,5%. Con số thiệt hại sẽ chủ yếu đến từ Trung Quốc với mức GDP dự báo giảm từ 0,5 - 0,7%.

Kịch bản thứ hai dự báo GDP toàn cầu giảm tới 1.100 tỷ, tương đương 1,3% nếu dịch Covid-19 bùng phát thành đại dịch trên toàn cầu và sự gián đoạn hoạt động sản xuất tại châu Á lan rộng khắp thế giới. Mức độ thiệt hại khi đó có thể tương đương với việc mất tổng sản lượng hàng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. 

Còn theo dự báo của Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, tác động của dịch Covid-19 là một quỹ đạo “hình chữ V”, với sự sụt giảm mạnh về tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và sau đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nước này. Kịch bản này dựa trên dự báo rằng dịch Covid-19 sẽ chấm dứt trong quý II - 2020, tạo điều kiện cho kinh tế Trung Quốc hoạt động bình thường trở lại. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire lại không lạc quan như vậy. Phát biểu tại Hội nghị G-20, ông Le Maire cho rằng: “Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu đó sẽ là hình chữ V với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới hay liệu nó sẽ dẫn đến hình chữ L với sự chậm lại liên tục trong đà tăng trưởng kinh tế thế giới”.

Rất khó xác định cảnh báo nào là chính xác bởi chưa ai biết dịch Covid-19 sẽ diễn biến thế nào. Nếu nhìn vào Trung Quốc, nơi được coi là trung tâm của dịch Covid-19, đã 5 ngày liên tiếp, số ca bình phục cao hơn nhiều so với số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, ngay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định dịch Corona vẫn chưa lên đến đỉnh điểm dù số ca nhiễm mới mỗi ngày có xu hướng sụt giảm.

Thêm vào đó, tình hình dịch Covid-19 ở hai nước láng giềng của Trung Quốc là Hàn Quốc và Nhật Bản lại đang xấu đi nhanh chóng. Nhiều người còn lo ngại hậu quả dịch bệnh có thể thảm khốc hơn nhiều nếu nó bùng nổ ở châu Phi, nơi điều kiện y tế còn nhiều khó khăn. Còn nhớ khi dịch bệnh Ebola bùng phát từ quốc gia Tây Phi Guinéa vào tháng 12-2013 rồi lan nhanh ra nhiều nước khác, đã có tới gần 20 nghìn người chết trong tổng số 28 nghìn ca lây nhiễm.