Ngăn chặn sớm nguy cơ lạm dụng và mất kiểm soát nợ công

ANTD.VN - Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội ngày 3-11 là một dự thảo có chất lượng khá tốt, toàn diện và kỹ, nhưng cũng cần làm rõ hoặc cân nhắc thêm nội dung một số vấn đề cụ thể. 

Làm rõ hơn trách nhiệm trong quản lý, sử dụng nợ công

Trong Điều 6 nội dung quản lý Nhà nước về nợ công, cần bổ sung thêm 3 nội dung quản lý Nhà nước nữa là: Thực hiện công bố thông tin và trách nhiệm giải trình về nợ công; Bảo đảm quyền giám sát, phản biện xã hội về nợ công; Thực hiện khen thưởng (cùng với việc thanh tra, xử lý các vi phạm) cho các cá nhân và cơ quan có thành tích trong quản lý nợ công.

 Điều 14 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ cần được thiết kế lại theo hướng diễn đạt chặt chẽ hơn các nguyên tắc liên quan đến quản lý nợ công, nhất là về các quyền trực tiếp làm tăng nợ công, được thể hiện ở 6 khoản dưới đây:

4. Quyết định sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

5. Phê duyệt đề án cơ cấu lại nợ. 

6. Phê duyệt đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

8. Quyết định cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với từng chương trình, dự án.

9. Quyết định việc cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng chương trình, dự án. 

10. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

Trong Điều 15 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cần bổ sung nhiệm vụ thực hiện trách nhiệm giải trình và bảo đảm chất lượng thông tin về nợ công cho Bộ Tài chính với tư cách là đầu mối quản lý chung thống nhất về nợ công theo phân công của Chính phủ.

Điều 20 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công, cần đưa khoản 3, quy định về người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý Nhà nước về nợ công phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức thành khoản 1, vì nội dung này khá rõ, cụ thể và quan trọng nhất; đồng thời, cần chỉnh sửa, bổ sung tiếp hai khoản còn lại của Điều 20 theo hướng tránh chung chung, tránh lặp lại ý trên về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công.

Nên bổ sung nợ xấu khó đòi của khu vực doanh nghiệp Nhà nước

Khoản 2, Điều 21 quy đinh, chỉ tiêu an toàn nợ công bao gồm: Nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội; Nợ của Chính phủ so với tổng sản phẩm quốc nội; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) so với tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm. Nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Chúng tôi cho rằng nên tiếp thu và bổ sung một số chỉ tiêu tham chiếu khác về an toàn nợ công mà nhiều nước và nhiều tổ chức tài chính quốc tế thường dùng, như: Nghĩa vụ nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng dự trữ ngoại hối quốc gia; Nợ công bình quân trên đầu người dân.

Và đặc biệt là ở Việt Nam cần dùng chỉ tiêu đặc thù là: Nợ xấu khó đòi của khu vực doanh nghiệp Nhà nước so với tổng sản phẩm quốc nội… Vì thực tế cho thấy, nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, kể cả nợ tự vay tự trả hay nợ được bảo lãnh, đều luôn là một trong những áp lực mạnh đẩy trần nợ công trong suốt nhiều năm qua và cả trong nhiều năm nữa…

Cân nhắc cơ chế doanh nghiệp được tiếp cận vốn đầu tư công

Chúng tôi cho rằng cơ quan soạn thảo và các đại biểu Quốc hội cần đặc biệt cân nhắc kỹ Điều 33 quy định về đối tượng được vay lại, đưa doanh nghiệp đứng đầu trong nhóm 3 đối tượng vay lại, xếp trên cả đơn vị sự nghiệp công lập và UBND cấp tỉnh. Đáng ngại hơn là Điều 34 quy định về nguyên tắc cho vay lại đã xác định tại khoản 2. Chính phủ cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các đối tượng được vay lại theo quy định tại Điều 33 của luật này.

Hơn nữa, Điều 35 quy định về phương thức cho vay lại còn khẳng định cơ chế cho vay tại khoản 3 như sau: Bộ Tài chính thông qua tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện cho vay lại đối với doanh nghiệp để đầu tư dự án sản xuất - kinh doanh. Trong trường hợp này, cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng.

Tôi cho rằng dù điều kiện được vay lại thiết kế tưởng chừng chặt chẽ như Điều 36 về điều kiện được vay lại, nhưng thực tế cho thấy, khi có liên kết lợi ích nhóm và rủi ro đạo đức cao, lỏng lẻo trong công tác thanh, kiểm tra và méo mó thông tin, thì các quy định trên đây chỉ là hình thức và sợi dây mỏng manh.

Doanh nghiệp kinh doanh sẽ tìm mọi cách “chạy thủ tục” và “vận động”, “bôi trơn” để được vay và dù cơ quan cho vay lại phải chịu toàn bộ rủi ro như quy định, nhưng hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tín dụng, cũng như bản thân các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh của nước ta đang có nhiều vấn đề chưa thể xử lý nhanh được, khó cho phá sản được, rút cục là tiền cho vay lại doanh nghiệp để sản xuất - kinh doanh đó sẽ dễ biến thành khoản nợ xấu, nợ khó đòi mới và tiếp tục làm tăng áp lực nợ công.  

Hơn nữa, trong dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cũng đã có nội dung về nợ doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh tại Điều 41 quy định về đối tượng được bảo lãnh Chính phủ là doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, lại có thêm Điều 43 về điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ.

Cùng một luật về nợ công, không nên có tới hai cơ chế doanh nghiệp được tiếp cận vốn đầu tư công là cơ chế cho vay lại và cơ chế Chính phủ bảo lãnh na ná nhau, chỉ khác về thẩm quyền quyết định, mà rút cục đều “trăm dâu đổ đầu tằm” là gánh nặng nợ công như vậy.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, nếu Chính phủ đi vay thương mại rồi chuyển để Bộ Tài chính cho vay lại doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thì sẽ không đúng tinh thần với Luật Ngân sách Nhà nước đồng thời, đi ngược lại xu hướng cải cách thể chế hiện nay là giảm vai trò Nhà nước là nhà đầu tư, và ngày càng thu hẹp vai trò đầu tư công trong khu vực sản xuất - kinh doanh vì lợi nhuận; Đặc biệt, cần thực hiện việc phân phối, sử dụng các nguồn lực xã hội theo nguyên tắc thị trường được khẳng định mạnh mẽ trong các Nghị quyết 10, 11 và 12 Hội nghị Trung ương 5, khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ngày 3-6-2017…

Bởi vậy, chúng tôi đề nghị nên cân nhắc kỹ và kiên quyết bỏ quy định đối tượng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh được vay lại theo Điều 33, 34 và 35 của dự thảo luật này, để ngăn chặn sớm nguy cơ bị lạm dụng và mất kiểm soát nợ công trong thời gian tới.

Điều 36: Điều kiện được vay lại

1. Doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật;

c) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất ba (03) năm; 

d) Có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá (03) lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định; 

đ) Không bị lỗ trong ba (03) năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 

e) Tại thời điểm đề nghị vay lại không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. 

g) Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Điều 43: Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ

1. Doanh nghiệp được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất ba (03) năm; 

b) Không bị lỗ trong ba (03) năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 

c) Tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng và không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản được bảo lãnh; 

d) Đảm bảo hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá ba (03) lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;

đ) Đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ và thuộc danh mục dự án ưu tiên xét cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm đã được phê duyệt;

e) Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan;

g) Có phương án tài chính được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 

h) Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư trong cơ cấu vốn của dự án. Vốn chủ sở hữu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện dự án. 

(Trích Dự thảo Luật Quản lý nợ công - sửa đổi)