Dự thảo Nghị định về Thương mại điện tử:

Ngăn chặn những bản sao của MB24

ANTĐ - Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, cũng như hạn chế những rủi ro của hoạt động này, ngày 21-8, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia cho dự thảo Nghị định về TMĐT để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Thương mại điện tử đang nở rộ với lợi nhuận rất cao. Ảnh: PHÚ KHÁNH


Quy định cũ không theo kịp thực tế

Theo đánh giá của các chuyên gia, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và được người tiêu dùng đón nhận đã tạo nên một thị trường mua bán hàng hóa trên Internet khá phong phú và sôi động. TMĐT giúp doanh nghiệp có thể tiếp xúc khách hàng nhanh, xây dựng hình ảnh, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Hoạt động TMĐT ở Việt Nam cũng đã được luật hóa sau khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và NĐ số 57/2006/NĐ-CP được ban hành. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của các loại hình dịch vụ liên quan cũng như thực tế chứng minh thì các quy định cũ đã dần bộc lộ nhiều nhược điểm và chưa bắt kịp với sự phát triển đó. Vì vậy, việc ban hành một Nghị định mới thay thế là cần thiết để có thể áp dụng vào thực tiễn đối với hoạt động TMĐT.

Bảo vệ người tiêu dùng

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, dự thảo Nghị định TMĐT sẽ định vị lại thị trường TMĐT Việt Nam, có định hướng trung và dài hạn. Đặc biệt, dự thảo đề cập nhiều đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia TMĐT vì khi giao dịch trên mạng, người mua và bán không được gặp nhau, nên có thể gặp rủi ro. Dự thảo cũng quy định khá rõ việc người tiêu dùng được bảo vệ như thế nào, trách nhiệm người bán hàng để người mua tin tưởng đưa thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, môi trường điện tử lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho DN để nâng cao chất lượng kinh doanh. Người tiêu dùng cũng cần được nâng cao nhận thức để họ biết cái lợi, cái hại, để tận dụng ưu việt của TMĐT cũng như tránh được nguy cơ tiềm ẩn của TMĐT.

Các chuyên gia cho rằng, nghị định mới được cho là sẽ siết chặt việc quản lý các hoạt động TMĐT và tránh việc lừa đảo người dân như thời gian qua. Cụ thể, tại Điều 4, Chương I của Dự thảo Nghị định TMĐT quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT ở Việt Nam. Nếu Nghị định được thông qua, thời gian tới, việc cung cấp dịch vụ TMĐT qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới sẽ bị cấm.

Dự thảo luật cũng cấm hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Đồng thời, cấm cung cấp các dịch vụ TMĐT hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong TMĐT mà chưa được đăng ký hoặc cấp phép. Ngoài ra, Dự thảo không cho phép việc cung cấp thông tin lệch hoặc giả mạo khi thực hiện thủ tục thông báo thiết lập website TMĐT, đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT, xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong TMĐT. Đồng thời, nghiêm cấm thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website TMĐT; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT.

Tại Điều 79 của dự thảo nghị định trên cũng quy định, hành vi lợi dụng TMĐT gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội; các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác về hoạt động TMĐT có dấu hiệu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.