Ngăn chặn nguy cơ chập cháy điện trong cao điểm nắng nóng

ANTD.VN - Vào mùa nắng nóng, các rủi ro về điện dễ xảy ra dẫn đến các sự cố đáng tiếc. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và hiểu biết về PCCC để bảo vệ an toàn cho gia đình, người thân và những người xung quanh mình.

Từ những vụ chập cháy điện, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo người dân lưu ý khi sử dụng điện mùa nóng đề phòng cháy nổ.

Sự cố về điện trong mùa hè tăng cao

Đã có nhiều vụ chập điện gây cháy xảy ra dẫn đến tử vong mà người trong gia đình không hề biết. Chỉ đến khi thức giấc, hoảng loạn chạy ra ngoài mới hay nhà mình bị cháy. Vụ cháy tại phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm xảy ra lúc rạng sáng 13-7-2017, là bài học đau xót khiến gia đình có 4 người tử vong. Chỉ vì các phòng đóng quá kín khi ngủ, khi xảy cháy không ai biết. Trong khi đó, chuông báo cháy, báo khói không có. Điện chập dẫn đến cháy lan, cháy lớn không có bất cứ thiết bị nào báo động, đã để lại hậu quả vô cùng đau xót.

Gần đây nhất, vào rạng sáng 12-4-2019, một khu nhà xưởng sản xuất có nhiều người ở bị chập điện cháy làm 8 người tử vong tại quận Nam Từ Liêm. Sức nóng của lửa đã làm sập nhiều nhà xưởng khung thép, khiến công tác tìm kiếm cứu nạn gặp khó khăn. Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, vào mùa hè nắng nóng, số vụ chập cháy nhiều hơn các mùa khác và nguyên nhân chủ yếu do chập cháy từ điện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 280 vụ cháy, trong đó có 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; 6 vụ cháy nghiêm trọng, 67 vụ cháy trung bình, 201 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng. Các vụ cháy là 14 người chết, 21 người bị thương. Thiệt hại về tài sản được thống kê ước tính gần 40 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy giảm 131 vụ, tăng 10 người chết, 12 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm khoảng 220 tỷ đồng. Ngoài ra còn xảy ra 287 vụ chập điện trên cột, 472 sự cố cháy gây thiệt hại không đáng kể...

Theo phân tích của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, có hàng nghìn nguyên nhân có thể gây cháy, nổ, tuy nhiên loại hình cơ sở dễ xảy ra cháy trong thời gian qua là nhà dân với 151 vụ; nhà kho, xưởng sản xuất 33 vụ; phương tiện giao thông 22 vụ; chung cư, nhà cao tầng 10 vụ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống 10 vụ; lán tạm 5 vụ; cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy 3 vụ; quán karaoke 2 vụ; bãi xe 4 vụ; cơ sở thờ tự 3 vụ; ki ốt kinh doanh 2 vụ; nhà dân kết hợp kinh doanh 6 vụ; khu tập thể 5 vụ; trường học 4 vụ; bệnh viện 1 vụ; văn phòng thuộc cơ quan Nhà nước 1 vụ; văn phòng công ty tư nhân 2 vụ; xe chuyên dụng (máy xúc, xe ba gác…) 4 vụ; trạm biến áp, bốt điện 3 vụ; khách sạn 1 vụ; cơ sở spa 1 vụ; cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng 1 vụ; siêu thị 1 vụ; garage ô tô 2 vụ; công trường xây dựng 1 vụ; bãi gỗ 1 vụ; rừng 1 vụ...

Trong đó nguyên nhân chính vẫn là do chập điện với 202 vụ, sơ xuất khi sử dụng lửa 26 vụ, hàn cắt 5 vụ, đốt 4 vụ, sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt 4 vụ, rò rỉ khí gas 2 vụ, sự cố kỹ thuật 7 vụ, tự thiêu 1 vụ và chưa rõ nguyên nhân 29 vụ.

Hiện trường cục nóng điều hòa cháy xém ở một căn hộ tại chung cư New Horizon City - 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Qua những con số thống kê nêu trên cho thấy tình hình cháy, nổ đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt vào dịp cao điểm nắng nóng, các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sử dụng điện gia tăng, nhiều máy móc hoạt động hết công suất làm tăng nguy cơ chập điện gây cháy.

Hạn chế sử dụng tối đa công suất máy tiêu điện

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, việc hạn chế tối đa cháy, nổ phải xuất phát từ ý thức người dân chứ không thể dựa vào máy móc. Việc đầu tiên muốn phòng cháy hiệu quả phải loại bỏ ý thức chủ quan, luôn đề cao cảnh giác với hỏa hoạn. Ví dụ: Kiểm tra tất cả các thiết bị điện trước khi đóng cửa đi ngủ. “Một chiếc quạt thiếu bảo dưỡng, bảo trì quay suốt đêm cũng có thể là nguyên nhân cháy nhà, hay một ổ điện, phích cắm lỏng lẻo, mối dây nối không đúng cách cũng là mối nguy cơ xảy cháy cao” -  chỉ huy Cảnh sát PCCC - CNCH, CATP Hà Nội chia sẻ.

Một khuyến cáo cần thiết đối với người dân, việc thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị điện là nguyên tắc cần phải làm trong quá trình sử dụng. Không có gì là vĩnh cửu, nếu bắt máy hoạt động triền miên mà thiếu quy trình bảo trì thì dễ gây cháy, nổ. Hơn nữa, cần trang bị thiết bị PCCC như bình chữa cháy, báo cháy, báo khói tại phòng lắp máy điều hòa, để khi xảy ra sự cố kịp thời phát hiện.

“Máy điều hòa khi tắt bằng điều khiển vẫn có nguy cơ chập cháy cao. Để an toàn khi tắt máy phải tắt automat. Thời gian qua, nhiều vụ cháy cục nóng điều hòa xảy ra, nguyên nhân do hoạt động quá công suất, dòng điện không ổn định và do khi lắp đặt, nối dây còn chưa siết ốc nối dây điện chặt, khi chạy làm move dẫn đến đánh tia lửa và nung nóng gây cháy. Vì thế, tuyệt đối không để bất cứ vật dễ cháy như chăn màn, vải vóc, vỏ hộp giấy… gần khu vực cục nóng điều hòa, tránh chay lan, cháy lớn và phải để cục nóng điều hòa có khoảng cách thoát được khí nóng mới đảm bảo khi vận hành” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chập - cháy điện, tuy nhiên một trong những yếu tố cơ bản vẫn là ý thức sử dụng điện của con người. Vì thế, yếu tố con người dựa vào máy móc quá cũng sẽ là nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Theo chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, nhiều cỗ máy mới nhưng do cách vận hành chưa đúng có thể dẫn đến chập cháy. Vụ cháy siêu thị tại thị trấn Xuân Mai năm 2016 là ví dụ. Chỉ vì tủ bảo quản thiết bị không vận hành đúng cách, để hở dẫn đến việc máy chạy lâu quá tải và chập điện gây cháy toàn bộ tài sản. Do vậy, yếu tố chủ động phòng ngừa của con người là cần thiết số 1.

Vụ cháy máy giặt tại chung cư HH2B, thuộc chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội: “Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công tác PCCC của các doanh nghiệp thường gặp là cách bố trí, sắp xếp tài sản, vật liệu trong nhà kho, nhà xưởng không bảo đảm an toàn. Nhiều nơi còn để hàng hóa gần nơi có nguồn nhiệt, sắp xếp không gọn gàng cản trở lối thoát nạn và phương tiện chữa cháy. Hệ thống điện đấu mắc, sử dụng mất an toàn, dễ gây sự cố chập, cháy nhất là những công trình xây dựng lâu năm. Cần coi trọng công tác phòng hơn chống, chính vì thế công tác tăng cường kiểm tra, tập huấn cho lực lượng cơ sở được triển khai thường xuyên để phát huy tối đa phương châm 4 tại chỗ, đồng thời mỗi đợt tập huấn là một lần tuyên truyên để người dân nắm bắt, nâng cao ý thức PCCC tại nơi mình ở”.

Cũng theo chỉ huy Cảnh sát PCCC và CNCH, đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC, nhiều đơn vị và cá nhân đã tự ý thức được việc đảm bảo an toàn PCCC, chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, kiểm tra và trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết. 

Ông Đào Đức Hiếu, tiểu thương chợ Trung tâm thương mại BigC Long Biên, quận Long Biên cho hay: “Tôi kinh doanh thiết bị điện lâu năm và sau khi được lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn phương pháp phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ nên mỗi khi có khách mua hàng tôi phổ biến với khách cần lắp máy sử dụng nguồn dây dẫn đảm bảo, đúng cách để tránh cháy, nổ”.