Ngăn chặn ngay từ gốc

ANTĐ - Những đợt nghỉ lễ, tết kéo dài luôn là những cuộc “thử sức” về uy tín, chất lượng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng “made in Việt Nam”. Sự lựa chọn, sức mua và doanh thu là những chỉ số khá chuẩn xác, đầy thuyết phục.

Sau 4 năm phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết quả thu được khá lạc quan: gần 60% người tiêu dùng “tự nguyện” ưu tiên mua hàng Việt, trong các siêu thị 80% là hàng sản xuất trong nước. Ngay ở chợ truyền thống, 75% người mua lựa chọn hàng Việt. Nhất là dịp Tết Âm lịch vừa qua, hàng Việt đã lấy lại được niềm tin của người dân.

Vẫn còn sớm để khẳng định chắc chắn rằng, hàng hóa nội địa đã hoàn toàn giành được thị phần áp đảo trước làn sóng hàng ngoại tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là hàng nhập lậu. Mặc dù chỉ là định tính, nhưng những số liệu nêu trên rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ cuộc vận động đã gặt hái những thành quả bước đầu khá “ngọt ngào”, quan trọng hơn là người tiêu dùng không quay lưng, ngoảnh mặt với hàng Việt, trái lại ngày càng đặt niềm tin và càng mong muốn thể hiện lòng yêu nước khi mua hàng, sử dụng sản phẩm do chính người Việt sản xuất. Rất nhiều hình thức vận động, tuyên truyền cùng với các “đợt sóng” khuyến mại, đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, về nông thôn đã được… tung ra trong thời gian qua chỉ góp một phần nhỏ vào thành công bước đầu.

Chính uy tín, chất lượng và thương hiệu hàng Việt mới thực sự hình thành được một thói quen, một quan điểm tiêu dùng trong mỗi người dân khi cầm lên một món hàng thường “soi” kỹ nguồn gốc, xuất xứ và cảm thấy yên tâm, tin cậy nếu đó là “hàng của ta”. Để có được thói quen đó là khó, giữ được và nâng lên càng khó hơn. Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ có thể chiếm 50% về công nghệ, tiết giảm tối đa chi phí để cạnh tranh chất lượng, giá cả. Song, còn đầu ra? Không ít doanh nghiệp, nhà sản xuất đã từng lên tiếng kêu về cuộc đấu không cân sức với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái ngay trên sân nhà đến mức chưa đánh đã thua.

Một số ngành hàng phải thừa nhận: “tiếp tục sản xuất thì phá sản, còn nếu dừng thì chết lâm sàng”. Một số chuyên gia thị trường giá cả đứng về phía các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã từng lên tiếng bênh vực khi cho rằng 50% của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phụ thuộc vào doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nó tùy thuộc ở cuộc chiến quyết liệt, đầy cam go và thách thức chống lại những “cơn lũ dữ” hàng Trung quốc kém chất lượng, nhái, rởm, ẩn chứa nhiều loại độc tố từ gà, nội tạng động vật cho đến các sản phẩm đồ chơi… vượt biên tràn vào nước ta và len lỏi tới tận hang cùng ngõ hẻm thành thị, nông thôn. Ngoại trừ sự tiếp tay vô lương tâm chỉ vì lợi nhuận của buôn lậu, gian thương người Việt cũng như không thể đổ lỗi toàn bộ cho lực lượng hải quan cửa khẩu và quản lý thị trường, câu hỏi được đặt ra là: làm cách nào để xử lý tận gốc thay vì chỉ “cắt ngọn” như hiện nay? Lời cảnh báo được đưa ra là, phải cảnh giác trước một kế hoạch có bài bản từ bên ngoài, không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận. Mục đích sâu xa, thâm độc là phá hủy nền kinh tế Việt Nam, hủy hoại sức khỏe nòi giống người Việt.

Để tiếp sức cho hàng Việt, để người Việt thực sự ưu tiên và yên tâm dùng hàng Việt, không thể không ngăn chặn ngay từ gốc, ngay từ biên giới. Đó là điều chỉnh chính sách mậu biên, xây dựng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt; xây dựng và thực thi các quy chuẩn, tiêu chí về an toàn. Bảo đảm chất lượng, môi trường,sức khỏe… giải pháp này hoàn toàn trong tầm tay các cơ quan quản lý.