Ngăn chặn mưu đồ đằng sau hành vi "Bất tuân dân sự"

ANTD.VN - Hành vi “bất tuân dân sự” từng mang lại những hiểm họa khôn lường, thậm chí gây ra những cuộc khủng hoảng toàn diện, sâu sắc cho nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới. Liên quan đến Việt Nam, có những thế lực đang tìm cách lợi dụng hành vi “bất tuân dân sự” nhằm mục đích xấu.

Ngăn chặn mưu đồ đằng sau hành vi "Bất tuân dân sự" ảnh 1Hành động “bất tuân dân sự” đã dẫn đến các vụ bạo động ở Venezuela làm hàng chục người thiệt mạng, xã hội mất ổn định

Những năm gần đây, tuy không công khai, nhưng một số vụ việc mang bóng dáng “bất tuân dân sự” đã xuất hiện như “bất tuân” quyết định cưỡng chế trong việc giải phóng mặt bằng ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đắk Nông, Gia Lai...; “bất tuân” quy định về thành lập hội (nhóm) khi đòi lập các tổ chức xã hội dân sự như “Hội anh em dân chủ”, “Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam”, “Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam”, “Hội văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Mạng lưới Blogger Việt Nam”...; “bất tuân” để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật An ninh mạng (năm 2018)… 

Dù cách diễn giải có khác nhau nhưng “bất tuân dân sự” thực chất là hoạt động vi phạm cố ý nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nếu chiểu theo pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. 

Có điều là vì được diễn giải như là hình thức phản kháng bất bạo động, chủ yếu là gây áp lực với một số chính sách, luật pháp “không phù hợp”, “không được lòng dân”, hoạt động “bất tuân dân sự” dễ giấu đi bản chất cực đoan, vô chính phủ, hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhờ đó mà nó dễ dàng hơn trong tập hợp lực lượng, trong thực hiện mục tiêu đặt ra. Theo thống kê của Tiến sĩ chính trị học Maria J. Stephan, Giám đốc các chương trình giáo dục tại Trung tâm quốc tế về chống đối bất bạo động, các phong trào bất bạo động có mức độ thành công là 53% trong khi các phong trào bạo động chỉ thành công có 25%.

Điều này giải thích vì sao các thế lực chống đối, thù địch lại tìm cách thúc đẩy “bất tuân dân sự” ở Việt Nam, xem đó như một thủ đoạn nhằm gây bất ổn chính trị, xã hội, tiến tới lật đổ chính quyền. Không những thế, hoạt động “bất tuân dân sự” được tổ chức ngày càng chặt chẽ hơn, phối hợp giữa lực lượng chống đối trong nước với một số tổ chức phản động ở nước ngoài như Việt Tân, Voice. Trên thực tế, từ những hình thức như kích động lái xe phản đối trả phí BOT giao thông, từ chối đóng các loại quỹ phúc lợi xã hội, tẩy chay hàng hóa nước ngoài..., các thế lực chống đối, thù địch đã bắt đầu kêu gọi công khai chống đối, lật đổ chính quyền.

Bên trong, các lực lượng chống đối tìm cách lợi dụng các vấn đề dân sinh còn hạn chế, để lôi kéo, kích động người dân, tập hợp, phát triển lực lượng, từng bước hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính quyền. Bên ngoài, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo để bịa đặt; lôi kéo, kích động người dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng ở trong nước.

Về lý thuyết, “bất tuân dân sự” là hình thức phản kháng ôn hòa, bất bạo động. Tuy nhiên, không phải tất cả hình thức đều là ôn hòa, bất bạo động. Thậm chí, theo những người chủ trương “bất tuân dân sự”, hành động vũ trang của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh hơn có vũ trang thì được coi là bất bạo động.

Điều này thể hiện sự mập mờ về tính chất của hình thức đấu tranh gọi là bất bạo động. Hay nói cách khác, ranh giới giữa bất bạo động và bạo động là khá mong manh, có thể chuyển hóa rất nhanh chóng. Thực chất, đây là cách ngụy tạo để biện giải, mở đường cho đấu tranh bạo động khi bất bạo động đã tích lũy đủ điều kiện hay “châm ngòi” thành công.

Có thể thấy nếu không được nhận diện và đấu tranh kịp thời, hoạt động “bất tuân dân sự” có thể trở thành yếu tố gây nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, an toàn xã hội... Những gì từng diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi, Venezuela… cho thấy trong nhiều trường hợp, “bất tuân dân sự” là bước khởi đầu của một cuộc “cách mạng mềm” nhằm thay đổi chế độ chính trị đang tồn tại hoặc lực lượng chính trị đang nắm quyền.

Vì thế, khi xảy ra các vụ việc “bất tuân dân sự”, cần hết sức tỉnh táo, đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp. Trong khi lấy đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, cần nghiêm trị số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, những kẻ có âm mưu, hành động nhằm mục tiêu chính trị, đe dọa an ninh chính trị của đất nước, trật tự an toàn xã hội.